ĐBQH đề nghị không quy định Ban công tác Mặt trận ở cấp thôn, ấp, bản, làng...

21/05/2015

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, sáng 21/5, tại phiên thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị: Không quy định Ban công tác Mặt trận ở cấp thôn, ấp, bản, làng... vào Dự thảo luật.

Khoản 3, Điều 6 Dự thảo luật quy định: Ban công tác Mặt trận do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về nội dung Ban công tác Mặt trận, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên luật hoá mô hình Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng...; Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định về Ban công tác Mặt trận trong dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều ghi nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng... Ban công tác Mặt trận là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn. Do đó, cần được ghi nhận trong Luật để tạo cơ sở pháp lý cho Ban này hoạt động. 

ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu tại Hội trưởng                                                                                  Ảnh: Đình Nam

Khoản 1, Điều 6 Dự thảo luật quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở Trung ương và các đơn vị hành chính, mà đơn vị hành chính của nước ta chỉ đến cấp xã, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt câu hỏi: nếu quy định Ban công tác Mặt trận ở cấp thôn, làng, ấp… như Khoản 3 liệu có phù hợp với Khoản 1?

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, đơn vị hành chính cấp thôn, làng, ấp, bản là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở nhưng không được quy định ở trong Luật tổ chức chính quyền địa phương mà được quy định ở văn bản quy phạm dưới luật. Do đó, Đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ vấn đề này và nên quy định trong văn bản liên tịch giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng cho rằng, quy định về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất rõ, tổ chức này được thành lập ở các đơn vị hành chính nên việc quy định Ban công tác Mặt trận như dự thảo Luật là không đúng. Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu phân tích, Ban công tác Mặt trận không phải là một tổ chức Mặt trận được thành lập theo đơn vị hành chính theo khái niệm hiện nay của Hiến pháp và luật quy định về các đơn vị hành chính. Đề nghị không nên đưa một tổ chức của Mặt trận không thuộc đơn vị hành chính vào Điều 6.

ĐBQH Phạm Đức Châu phát biểu tại Hội trường                                                                                                            

Ngược lại với các ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) tán thành quy định về Ban công tác Mặt trận ở cấp thôn, ấp, làng…  như trong Dự thảo luật.  Đại biểu Quốc hội Lê Đắc Tâm cho rằng, Ban công tác Mặt trận được hình thành và ổn định tại hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố trong toàn quốc gần 20 năm qua. Đây là một hình thức tự quản của nhân dân ở cơ sở nhằm huy động sức mạnh và sáng kiến của nhân dân, giải quyết những vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống của nhân dân. Mặt khác, nhiều văn bản cũng đã có những quy định về hoạt động của thôn và khu phố.

Ngoài ra, về hình thức văn bản, các ĐBQH cũng đề nghị tại Khoản 3, Điều 6 thay cụm từ "thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác" bằng cụm từ "khu dân cư" để quy định của luật được ngắn gọn và dễ hiểu; đề nghị bỏ cụm từ "và cộng đồng dân cư khác"…

Đức Phương