ĐBQH Phạm Đức Châu-Quảng Trị: Phải coi phản biện của MTTQ là một quy trình bắt buộc khi thông qua các chương trình, dự án

22/05/2015

Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII có hai chương riêng quy định cụ thể về hoạt động giám sát và hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó dự thảo luật khẳng định tính chất của giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân. Đại biểu Phạm Đức Châu cho rằng Luật cần làm rõ thế nào là tính nhân dân.

Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Phạm Đức Châu đặt vấn đề: giám sát, phản biện nhân dân thì có mang tính quyền lực nhà nước không? Bởi, nhà nước ta là của dân, do dân, nhà nước cũng hoạt động mang tính nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Luật khẳng định Mặt trận cũng giám sát mang tính nhân dân, nhân dân là chủ thể quyền lực thì liệu rằng giám sát nhân dân có mang tính quyền lực không? Điều này chưa được dự thảo Luật phân biệt rõ.

Đại biểu thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc coi giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc mang tính nhân dân để hiểu rằng giám sát, phản biện đó không mang tính quyền lực.

Liên quan đến phạm vi, đối tượng phản biện của Mặt trận Tổ quốc, đại biểu cho rằng nếu quy định phản biện của Mặt trận mà chỉ liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân thì còn khá mơ hồ. Không biết chương trình dự án nào không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Dẫn chứng về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng nhân dân rất nhiều, đại biểu đặt ra câu hỏi liệu dự án này có thuộc đối tượng phản biện của Mặt trận hay không?

Theo đại biểu việc dự án, chương trình nào cần phản biện thì luật phải quy định. Về mặt pháp luật khi thông qua các chương trình, dự án quan trọng buộc phải có ý kiến phản biện của Mặt trận. Khi việc lấy ý kiến phản biện của Mặt trận được quy định như một quy trình bắt buộc thì khi đó sẽ giao nhiệm vụ chính thức nhà nước, Quốc hội giao nhiệm vụ chính thức cho Mặt trận.

Vì vậy, đại biểu đề nghị theo hướng, phản biện Mặt trận mặc dù là phản biện xã hội hay phản biện theo quy định như dự thảo, nhưng phải là một quy trình bắt buộc trước khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các dự án. Khi đó, Mặt trận bắt buộc phải thực hiện lấy ý kiến phản biện.

 Quy định như vậy vừa gắn liền giữa trách nhiệm của Mặt trận vừa gắn liền với nhiệm vụ của nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò của phản biện của Mặt trận. Có như vậy mới đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi chúng ta thông qua các chương trình, dự án.

Bảo Yến lược ghi

Các bài viết khác