ĐBQH Nguyễn Thị Phúc-Bình Thuận: Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền thể hiện sự gần dân, sát dân

02/06/2015

Tiếp tục chương trình kỳ hợp thứ 9, chiều 1/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc-Bình Thuận cho rằng, việc giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền như hiện nay là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1 là giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay. Việc quy định cấp nào cũng đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị như đã thể hiện tại Điều 4, Điều 5 của dự thảo Luật.

Đại biểu phân tích, mô hình tổ chức chính quyền như hiện nay là hợp lý bởi các lý do cụ thể như sau:

Một, mô hình tổ chức như hiện nay là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không làm xáo trộn so với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, vừa thể hiện sự gắn kết giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương cùng với các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị xã hội trên cùng một địa bàn và trong một chỉnh thể hệ thống chính trị thống nhất.

Hai, việc tổ chức cấp chính quyền gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính cấp cơ sở thể hiện sự gần dân, sát dân của chính quyền và đặc biệt là một trong những thể chế quan trọng nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu phải có sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp. Đồng thời, bảo đảm thực hiện được nguyên tắc, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải chịu sự giám sát của cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra.

Ba, việc giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay, đồng thời với việc điều chỉnh quy định những điều khác nhau về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng địa bàn. Đại biểu cho rằng, đây là một cách làm thận trọng, từng bước vững chắc nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, lần thứ XI.

Bốn, về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân ở Điều 18, đại biểu nhận định dự thảo luật lần này đã có nhiều điều chỉnh bổ sung phù hợp như: việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân theo vùng miền, quy định Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch và Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân, cơ cấu cụ thể các Ban... Quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã quy định tăng hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện so với luật hiện hành.Đại biểu cho rằng quy định như thế là cần thiết, phù hợp, nhằm tạo cơ chế tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân và các ban Hội đồng nhân dân.

Hồ Hương lược ghi