ĐBQH Trần Minh Diệu-Quảng Bình: Cần có quy định về Văn phòng Hội đồng nhân dân

02/06/2015

Thảo luật về Dự án luật tổ chức chính quyền địa phương chiều 1/6, ĐBQH Trần Minh Diệu - Quảng Bình đề nghị nên có Văn phòng Hội đồng nhân dân.

Đại biểu phân tích, theo quy định của Chính phủ hiện hành, văn phòng cấp huyện có tên gọi là Văn phòng Hội đông nhân dân, Ủy ban nhân dân nhưng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân. Theo đó từ quyết định thành lập đến tổ chức bộ máy, đề bạt, bổ nhiệm phân công trách nhiệm v.v... đều do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định. Với cơ chế quản lý đó, bộ máy văn phòng rất khó để tham mưu giúp việc cho Hội đồng nhân dân.

Đại biểu cho rằng việc khó nhất đối với văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện là tham mưu cho Hội đồng nhân dân, giám sát và phản biện lại chính cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân.

Thực tiễn cho thấy Hội đồng nhân dân cấp huyện cần phải có một cơ quan giúp việc độc lập là Văn phòng Hội đồng nhân dân trên cơ sở được tách ra từ Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, việc tách này phải đảm bảo nguyên tắc là không làm tăng thêm biên chế.

Đại biểu Trần Minh Diệu đề nghị, Bộ Nội vụ khảo sát, nghiên cứu và xác định lại từng vị trí, việc làm để đảm bảo khi tách văn phòng thì không những không làm tăng thêm mà có thể bớt đi một số biên chế trong tổng biên chế hiện có của văn phòng cấp huyện.

 Đại biểu nhấn mạnh,  nếu Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp huyện đảm bảo tính độc lập do thường trực Hội đồng nhân dân trực tiếp quản lý thì quá trình tham mưu, giúp việc của văn phòng cho hội đồng, thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu của Hội đồng nhân dân chắc chắn sẽ tốt hơn.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị, luật lần này cần có quy định cụ thể về bộ máy giúp việc cho Hội đồng nhân dân cấp huyện, cụ thể là việc thành lập Văn phòng Hội đồng nhân dân.

Đại biểu cho rằng, nếu quy định rõ về văn phòng Hội đồng nhân dân- bộ máy giúp việc cho Hội đồng nhân dân thì sẽ khắc phục được những điểm hạn chế của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng về điều kiện để thực hiện mục tiêu của Ban chấp hành Trung ương là phải tạo mọi điều kiện để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.

Hồ Hương lược ghi