ĐBQH Trương Trọng Nghĩa-TP Hồ Chí Minh: Cần có chế tài xử lý đối với tình trạng trì hoãn giải quyết án dân sự

16/06/2015

Cho ý kiến về dự thảo Luật tổ dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIII, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh cho rằng, tố tụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống của người dân, sự phát triển của đất nước cũng sẽ bị chậm lại theo. Vì vậy, cần có những quy định để khắc phục tình trạng đó.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, án dân sự bao gồm các vụ án và vụ việc dân sự: thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, đời sống của nhân dân, kinh doanh, cưới hỏi, sinh sản, thừa kế đất đai… Đối tượng áp dụng của Bộ luật là tất cả người dân Việt Nam và hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam hoặc có liên quan đến Việt Nam. Có nghĩa là toàn bộ đời sống dân sự của đất nước và nhiều nước có liên quan.

Đại biểu cho rằng, việc thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự của Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua kéo dài và quá chậm trễ. Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án lên đến 10 năm. Đại biểu cho biết, có nhiều kẻ đã chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả, thậm chí còn thách thức nạn nhận đi kiện.

Đại biểu cho rằng, thời hạn tố tụng được quy định tại Chương XI của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành gồm 4 điều (từ Điều 176 đến Điều 179) gồm các thời hạn xét xử từ: nộp đơn, xem xét, thụ lý, bổ túc, bổ sung đơn, mời làm việc, hòa giải, phản tố, nhập án, tách án, đình chỉ… còn tùy thuộc vào nhiều lý do khác nhau.

Đại biểu cho biết, xử sơ thẩm ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… đã tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian, chúng ta không có chế tài cho sự chậm trễ này. Đại biểu lấy ví dụ, khi thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, nghỉ phép thì các đương sự đều phải chờ đợi. Trong khi đó, lẽ ra nếu thẩm phán vắng mặt lâu, lãnh đạo tòa án phải phân công lại. Với trường hợp như thế này, những đương sự muốn kéo dài việc xét xử thì sẽ rất có lợi.

Đại biểu chia sẻ, tục ngữ có câu "công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối"; tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm; tố dụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động, sự phát triển của đất nước cũng sẽ bị chậm lại theo. Theo đại biểu, quá trình tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Trong số án tồn đọng chưa thi hành được có một loại án không thể thi hành do bản án tuyên vô lý, bỏ sót hoặc sai sót về kỹ thuật.

Đại biểu nhận định, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn nêu trên. Đại biểu cho rằng, không thể chỉ vì tình trạng quá tải của tòa án thành phố Hồ Chí Minh hay tòa án Hà Nội mà làm ảnh hưởng đến quy định các thời hạn. Theo đại biểu, các thời hạn quy định trong dự thảo là quá dài. Do đó, đại biểu đề xuất:

Một là rút ngắn tất cả các thời hạn dành cho tòa án và cho các khâu của quá trình tố tụng xuống chỉ bằng một nửa như dự thảo; những án quá tải của các đô thị thì phải giải quyết bằng cách khác, ví dụ như: tăng biên chế, lấy mốc giải quyết án ở các đô thị để làm một mốc chung cho cả nước.

Hai là quy định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau. Quy định này phải thật chi tiết và có tham khảo rộng để có mức quy định hợp lý.

Ba là phải có quy định về trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi không thi hành án được. Theo đại biểu, cần phải có quy định để ràng buộc trách nhiệm của tòa án đối với các bản án đã tuyên. Nhất là khi do thiếu sót, nghiệp vụ kém, tắc trách của thẩm phán mà án không thi hành được. Quy định hiện nay về giải thích các bản án lại làm cho việc thi hành án bị kéo dài thêm nhưng không có chế tài đối với thẩm phán.

Nguyễn Phương lược ghi