ĐBQH Huỳnh Văn Tính- Tiền Giang: Quy định mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng thi hành án hành chính

27/10/2015

Cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Huỳnh Văn Tính- Tiền Giang đặc biệt chú ý đến vấn đề thi hành án. Đại biểu đề nghị, cần có những quy định mạnh mẽ hơn, những biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc về việc thi hành bản án hành chính để nâng cao chất lượng thi hành án, bảo vệ tối đa quyền và lợi của người được thi hành án.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tính tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong các quy định về thi hành án hành chính trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, để góp phần cải thiện chất lượng trong công tác thi hành án hành chính hiện nay, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đại biểu cho rằng, chúng ta cần có những quy định mạnh mẽ hơn, những biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc về việc thi hành bản án hành chính để nâng cao chất lượng thi hành án, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án thông qua việc xây dựng hệ thống các quy định chặt chẽ, chi tiết về các cơ chế, chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không chấp hành nghiêm túc bản án quyết định của Tòa án. Đại biểu nhấn mạnh, quyết định của Tòa án nhân dân đưa ra khi có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Điều này cũng đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận, cụ thể tại Điều 106: Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính cho biết, trên thực tế vẫn có trường hợp cơ quan, cá nhân không nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, mặc dù Luật tố tụng hành chính hiện hành đã có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án mà không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án thì tùy trường hợp mà xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, theo đại biểu, dự thảo Luật không nên quy định người được thi hành án có trách nhiệm phải cung cấp cho Tòa án bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh mình có đơn đề nghị hợp lý nhưng người phải thi hành án không thi hành án. Đại biểu cho rằng, quy định phải cung cấp các tài liệu khác có liên quan sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tố tụng hành chính. Đồng thời, việc quy định đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án không thi hành án, trong trường hợp này không phù hợp với quyền đương nhiên được thi hành án của người thi hành án sau khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bởi, quy định như vậy được hiểu là người được thi hành án phải gửi đơn đề nghị thi hành án cho người phải thi hành án mới được thi hành án.

Nguyễn Phương lược ghi