Ý KIẾN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN: GIẢI PHÁP ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

02/05/2018

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn về giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và giải pháp đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, về giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và giải pháp đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV như sau:

1. Điều 87 Luật Trẻ em quy định: Bộ TTTT có trách nhiệm “quản lý, hướng dẫn quy chuẩn bảo chí, xuất bản, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em, có trẻ em tham gia, liên quan đến trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác.

Tuy nhiên, thực tế cử tri cho rằng thời gian qua hầu như không có biện pháp nào bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ TTTT đã có biện pháp nào bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa? Những giải pháp sắp tới đế bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em?

2. Chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước. Những cải cách như mô hình một cửa, khi thực hiện cùng với việc thực hiện Chính phủ điện tử sẽ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử gắn với mô hình một cửa thời gian qua. Các giải pháp để đấy nhanh quá trình xây dụng Chính phủ điện tử?

Về vấn đề Đại biểu quan tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

Câu 1.

Về bản chất công nghệ, môi trường Internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Vì vậy, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của cá nhân, tổ chức sử dụng mà thông tin đưa lên Internet là tích cực hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội. Do đó, việc sử dụng mạng Internet như thế nào để có thể tránh được những tác động xấu tới tâm lý người dùng, đặc biệt là đối với trẻ em đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Qua công tác quản lý thông tin trên mạng, Bộ TTTT nhận thấy tác động tiêu cực của Internet dễ gây tổn hại đến sức khỏe, tâm sinh lý và hành vi của trẻ em, thể hiện qua một số hành vi như sau:

  • Lợi dụng Internet để phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại kích động bạo lực, dâm ô đồi trụy, các trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh về sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ em.
  • Lợi dụng các trang mạng xã hội, các diễn đàn giao lưu kết bạn đế dụ dỗ, lừa đảo trẻ em nhằm trục lợi.
  • Lợi dụng Internet để lôi kéo trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em hoặc để buôn bán trẻ em....

Trẻ em sử dụng internet

Bộ TTTT đã và đang triển khai các giải pháp chính sách và công nghệ nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau:

  • Ngày 23 tháng 6 năm 2017, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
  • Khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web đen độc hại; tạo dựng trang web dành cho trẻ em; triển khai hệ thông kỹ thuật tiếp nhận cảnh báo, tố cáo các nội dung không phù hợp, có hại cho trẻ em.
  • Tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống nhà trường và các tổ chức đoàn thể để giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về ý thức sử dụng thông tin trên Internet một cách chọn lọc tích cực cho trẻ em.

Câu 2.

  1. Về tình hình thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) gắn với mô hình một cửa thời gian qua

Cơ chế một cửa được áp dụng từ năm 2003, và sau đó đến năm 2007 thì áp dụng thêm cơ chế một cửa liên thông. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Nhằm hướng dẫn cho các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các ứng dụng hỗ trợ cho công việc, Bộ TTTT đã ban hành các văn bản hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của các hệ thống dùng trong cơ quan nhà nước, trong đó có văn bản số 1725/BTTTT-ƯDCNTT ngày 04/6/2010 về việc hướng dẫn các yêu cầu cơ bản vê chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thông một cửa điện tử. Đây chính là hướng dẫn đặt ra các yêu cầu là nền móng cho các hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông hiện nay.

Ngày 21/4/2015, Bộ TTTT ban hành văn bản số 1178/BTTTT-THH ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam Phiên bản 1.0. Việc xây dựng Chính phủ điện tử ở các cấp (Bộ, ngành, địa phương) tuân thủ Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển CPĐT, giúp lãnh đạo các cấp có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CPĐT kịp thời, chính xác; nâng cao kết quả các dịch vụ CPĐT. Kiến trúc CPĐT thể hiện thiết kế tổng thể các thành phần trong CPĐT của cơ quan nhà nước, chức năng và mối quan hệ giữa các thành phần. Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin là mục đích lớn nhất khi xây dựng Chính phủ điện tử theo Kiến trúc CPĐT. Trong Khung kiến trúc CPĐT này đã quy định rằng người dân có thể lựa chọn các hình thức nộp hồ sơ qua mạng hoặc trực tiếp tại bộ phận một cửa, chính vì vậy, phải có sự kết nối giữa ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa và cổng thông tin điện tử của tỉnh (cung cấp dịch vụ công trực tuyến).

Để tăng cường hiệu quả hoạt động của mô hình một cửa các cấp, hiện nay, dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang được Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi có dành một Chương về ứng dụng CNTT, trong đó có các Điều quy định về nguyên tắc xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống một cửa điện tử; Hệ thống một cửa điện tử các Bộ, ngành, địa phương và Lộ trình xây dựng và vận hành hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Với tất cả những nội dung nêu trên, có thể thấy rằng Chính phủ, Bộ TTTT và các cơ quan nhà nước khác đã và đang rất quan tâm đến việc phát triển Chính phủ điện tử. Hệ thống một cửa điện tử chính là một kênh giao tiếp, một hệ thống hỗ trợ và xử lý, một hệ thống kết nối với các hệ thống chuyên ngành khác để hỗ trợ không chỉ cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC mà cho cả cán bộ, công chức trong việc xử lý, giải quyết các TTHC.

Với những quyết tâm của Chính phủ trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng CPĐT và với những hướng dẫn của Bộ TTTT trong việc xây dựng Kiến trúc CPĐT, Chính quyền điện tử, các phần mềm, ứng dụng một cửa điện tử đơn lẻ, rời rạc tại các bộ phận một cửa đã và đang dần dần chuyển sang sử dụng hệ thống một cửa điện tử hiện đại, tập trung.

Đối với người dân/doanh nghiệp, hệ thống một cửa hiện đại đã giúp cho người dân/doanh nghiệp có nhiều hình thức nộp hồ sơ và nhận kết quả hơn. Có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí đi lại và tăng tính minh bạch. Hoặc cũng có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa, cán bộ tại bộ phận một cửa sẽ giúp người dân/doanh nghiệp nhập hồ sơ vào hệ thống.

Đối với cơ quan nhà nước, hệ thống một cửa điện tử hiện đại giúp tiết kiệm thời gian trong việc xử lý thủ tục hành chính (có thể xử lý hồ sơ ngay trên hệ thông mà không cần chờ hồ sơ giấy được gửi đến), tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ. Lãnh đạo có thể theo dõi được từng bước xử lý hồ sơ, quy trình xử lý hồ sơ rõ ràng, minh bạch.

Hệ thống một cửa điện tử hiện đại đáp ứng Kiến trúc CPĐT, CQĐT sẽ tăng khả năng liên thông, kết nối, tích hợp với các hệ thống chuyên ngành khác, hình thành nên các CSDL của tỉnh. Đó sẽ là cơ sở đế hình thành các CSDL về cán bộ, công chức, viên chức; về người dùng là người dân/doanh nghiệp thực hiện TTHC, các CSDL về các hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC phục vụ công tác quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

  1. Về các giải pháp để đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT.

Bộ TTTT sẽ thực hiện một số giải pháp chính như sau:

  • Đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các Bộ, ngành triển khai các nội dung đối với cơ quan chủ quản triển khai các CSDL quốc gia theo quy định tại Quyết định số 714/QĐ- TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
  • Triển khai, hướng dẫn ứng dụng CNTT theo hướng nâng cao hiệu quả, nhất là hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tập trung vào các thủ tục hành chính có tần suất người dùng cao.
  • Phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan tăng cường gắn kết chặt chẽ hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước với cải cách hành chính.
  • Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành và áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ (đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), làm cơ sở triên khai hiệu quả, đồng bộ ứng dụng CNTT, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin.
  • Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện môi trường pháp lý cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trước tiên tập trung một số nội dung như về cơ chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước, sử dụng chữ ký số trong văn bản của cơ quan nhà nước, lưu trữ điện tử, xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT,...
  • Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển CPĐT tại Việt Nam.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT trong xu thế thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung như ứng dụng Internet kết nối vạn vận (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social), đô thị thông minh (Smart City),...
  • Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện ứng dụng CNTT.
Toàn bộ nội dung văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

File đính kèm
Các bài viết khác