ĐBQH NGUYỄN TẠO – LÂM ĐỒNG: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG XÂY DỰNG PHÒNG THỦ QUÂN KHU CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN VÀ ĐẶC KHU HÀNH CHÍNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT

24/05/2018

Chiều 22/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo – Lâm Đồng bày tỏ tán thành cao với dự thảo Luật và cho rằng dự thảo như vậy là phù hợp với tinh thần của nghị quyết Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam và các quy định pháp luật hiện hành khác.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo – Lâm Đồng phát biểu tại Hội trường

Về các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Tạo - Lâm Đồng có các ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại Chương II về hoạt động cơ bản của quốc phòng, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung khoản đ Điều 8 trong chế định về nền quốc phòng toàn dân. Tại khoản đ cần quy định bổ sung thêm xây dựng phòng thủ quân khu gồm có khu vực phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện và đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Bởi lẽ, trong thời gian vừa qua sự phối kết hợp giữa quân khu và hệ thống phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện đã thể hiện được vai trò pháo đài vững chắc của cấp huyện, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ với địa phương của cấp tỉnh trong địa bàn của quân khu một cách vững chắc và toàn diện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung, xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện vào khoản đ của Điều 8.

Tại Điều 9 khoản 1, trong phòng thủ quân khu cũng nêu rõ sự gắn kết giữa phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện hoặc đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong thế trận toàn dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn của quân khu trong hệ thống phòng thủ quốc gia đều có sự liên kết giữa Trung ương, vùng và địa phương.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều ngày 22/5

Thứ hai, tại Chương IV, về lực lượng vũ trang, đại biểu quan tâm Điều 24, Điều 26 và Điều 29. Về quân đội nhân dân ở Điều 26, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định bổ sung vào đoạn cuối của Điều 26 hai lực lượng thực quyền quản lý của Bộ quốc phòng, cụ thể đó là lực lượng thường trực của quân đội nhân dân có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển. Trong khoản 1 của Điều 24 được quy định thêm, quy định lực lượng vũ trang nhân dân gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ và bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Bởi lẽ, điều này được ghi nhận tại Pháp lệnh Bộ đội biên phòng và Pháp lệnh Cảnh sát biển hiện hành. Tại dự thảo mới về cảnh sát biển cũng quy định cảnh sát biển Việt Nam đã chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam, dưới sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam. Tại khoản 1 Điều 8 có nêu cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng chuyên trách của nhà nước, nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Khoản 2 cũng có nêu Cảnh sát biển thực hiện chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Vì các lẽ nêu trên, đại biểu đề nghị tiếp tục thiết kế bổ sung 2 điều cụ thể, đó là bộ đội biên phòng và cảnh sát biển ở trong Chương IV này, như vậy tại Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển có hệ thống tổ chức chỉ huy theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển, dân quân tự vệ và Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong công an nhân dân", như thế thì phù hợp và logic hơn./.

Vân Ngọc

Các bài viết khác