ĐBQH PHẠM ĐÌNH CÚC – BÀ RỊA – VŨNG TÀU: ĐỀ NGHỊ GIỮ NGUYÊN HAI HÌNH THỨC TỐ CÁO BẰNG ĐƠN VÀ TRỰC TIẾP, KHÔNG BỔ SUNG THÊM CÁC HÌNH THỨC KHÁC

25/05/2018

Sáng 24/5, thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc đề nghị giữ nguyên hai hình thức tố cáo như hiện nay là bằng đơn và trực tiếp, không bổ sung thêm các hình thức khác, tránh tình trạng tố cáo tràn lan gây khó khăn, quá tải cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng ngày 24/5

Cho ý kiến về dự án Luật, đại biểu Phạm Đình Cúc đánh giá cao việc tiếp thu và giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Luật Tố cáo (sửa đổi). Trong điều kiện thông tin phát triển mạnh, mạng xã hội bùng nổ, Luật Tố cáo thông qua liên quan trực tiếp đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vụ việc tham nhũng. Nhất là trong thời gian gần đây công tác phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực sự quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện và tích cực, rõ nét, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao. Do vậy, việc thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) đòi hỏi rất cấp bách và cần thiết. Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Phạm Đình Cúc có một số ý kiến góp ý như sau:

Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu tại phiên họp

Thứ nhất, về áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo. Tại khoản 1 Điều 3 quy định: Tố cáo và giải quyết tố cáo được áp dụng theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Trong trường hợp luật khác có quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo thì áp dụng quy định của luật đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét trường hợp luật khác có quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo thì áp dụng quy định của luật đó. Bởi vì, theo quy định như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu là bất cứ luật nào cũng có thể quy định khác về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Việc quy định như vậy cũng không tuân thủ khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Khoản 3 Điều 165 quy định như sau: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo tại Điều 11 của dự thảo luật. Đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điểm a khoản 1 Điều 11 yêu cầu người tố cáo đến làm việc bởi vì tại điểm b và c đã yêu cầu người tố cáo đến làm việc giải trình bằng văn bản về hành vi tố cáo. Mặt khác, việc đăng ký làm việc, cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải được xem là quyền của người tố cáo. Mặt khác, người giải quyết tố cáo đã có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, tiến hành các biện pháp kiểm tra xác minh bao gồm cả người tố cáo để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật. Hơn nữa dự thảo luật cũng đã nêu rõ điều kiện thụ lý đơn tố cáo, chính vì vậy, đại biểu cho rằng  không cần thiết quy định điểm a khoản 1 điều này.

Thứ ba, về hình thức tố cáo tại Điều 22 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Trong thời gian vừa qua, nếu quy định thêm các hình thức tố cáo như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn tới tình trạng tố cáo tràn lan gây khó khăn, quá tải cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết. Hiện nay, việc xác định trách nhiệm với người tố cáo sai sự thật và việc giải quyết tố cáo trong thời gian gần đây vẫn quá tải, nhiều đơn thư tố cáo kéo dài, chưa được giải quyết. Chính vì vậy đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị giữ nguyên hai hình thức tố cáo như hiện nay, không bổ sung thêm các hình thức khác, phù hợp với tình hình hiện nay, giải quyết được một số vướng mắc.

Mai Trang

Các bài viết khác