ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ- HÀ GIANG: VIỆC LÀM VÀ CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CÒN HẠN CHẾ

26/05/2018

Chiều 25/5, tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước. ĐBQH Vương Ngọc Hà- Hà Giang nhận định vấn đề việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế cả về thể lực, trí lực và kỹ năng.

ĐBQH Vương Ngọc Hà phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Vương Ngọc Hà nêu rõ, qua kết quả mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt, cử tri cả nước rất vui mừng và đặt sự tin tưởng vào sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, nhất là phương pháp làm việc. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ tư vấn và tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia trong điều hành các hoạt động, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các kết luận đã ban hành. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên tinh thần đối với mọi tầng lớp trong xã hội, từ đội ngũ trí thức trong và ngoài nước đến những người nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ và các doanh nghiệp, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhà nước luôn dành sự quan tâm nhất đối với đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa và thực hiện các chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ trăn trở đối với vấn đề việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế cả về thể lực, trí lực và kỹ năng. Còn xảy ra hiện tượng thanh niên dân tộc thiểu số khi khám tuyển nghĩa vụ quân sự hoặc đăng ký tham gia xuất khẩu lao động nhưng không đủ điều kiện về chiều cao và cân nặng. Trình độ lao động thanh niên dân tộc thiểu số chưa cao và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức. Phần lớn trong số đó không tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều trường hợp vượt biên đi lao động, làm thuê trái phép chưa được bảo vệ. Hoặc ngay trong nước hiện tượng thanh niên bị lợi dụng sức lao động còn xảy ra, như trường hợp của 11 thanh niên người Tân Kiều tại huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam vào tháng 4 vừa rồi.

Các đại biểu tại phiên họp

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, đại biểu trân trọng đề nghị Chính phủ triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 52 ngày 15 tháng 6 năm 2016 về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Đi vào cụ thể, đại biểu đưa ra một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, cần đặt sự quan tâm đối với trẻ em ngay từ hôm nay để tương lai có một nguồn nhân lực đạt chất lượng cao và tranh thủ thời điểm vàng để phát triển thể chất đó là giai đoạn từ mẫu giáo đến tiểu học. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan có liên quan ưu tiên triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả về chương trình sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 theo Quyết định số 1304 của Thủ tướng Chính phủ ngày 8 tháng 7 năm 2016, tại các khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện chính sách của nhà nước về hỗ trợ gạo, sinh hoạt phí và chi phí học tập và việc tổ chức hệ thống trường lớp đối với vùng sâu, vùng xa đã đem lại cơ hội đến trường cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hi vọng thời gian tới Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cho các nhà lưu trú, các trường bán trú và các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo sự an toàn và điều kiện chăm sóc tốt hơn cho các em. Đề nghị ngành giáo dục chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cũng như tác phong, nếp sống cho các em ngay từ cái nôi này.

Các tỉnh miền núi với điều kiện địa hình chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, dù có cố gắng để xây dựng cơ chế và dải thảm thế nào cũng rất khó đón được các nhà đầu tư. Vì vậy, DDaBQH đề nghị nhà nước ưu tiên phát triển về cơ sở hạ tầng, nhất là mở rộng hệ thống đường giao thông và có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư tại các khu vực này, từ đó tạo thêm cơ hội việc làm cho các lao động tại địa phương. Mặt khác, khi đường giao thông được liên kết cũng là điều kiện thuận lợi để người dân tự tạo việc làm, khởi nghiệp và phát triển về du lịch và thương mại. Ngoài việc nâng cao trình độ đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường, để giải quyết việc làm cần trang bị cho thanh niên các kỹ năng mềm và đặc biệt là ý thức về tuân thủ pháp luật. Đề nghị Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp tổ chức tuyên truyền một cách có trọng tâm, trọng điểm phương pháp phù hợp với nhận thức và tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ như tuyên truyền để xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống để đảm bảo thể chất trong một thế hệ mai sau mạnh khỏe. Tuyên truyền về quy chế quản lý biên giới để thanh niên hiểu và khi đi lao động làm thuê nước ngoài không vượt biên trái phép, tuyên truyền về các quy định của luật lao động cho thanh niên. Bên cạnh đó cần đánh giá hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền bằng sự chuyển biến nhận thức của đồng bào và thanh niên dân tộc thiểu số để điều đó thực sự là công cụ để họ tự bảo vệ một cách hữu hiệu.

ĐBQH Vương Ngọc Hà cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu và triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội đối với khu vực lao động phi chính thức và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo an sinh, xã hội lâu dài và tổ chức nghiên cứu một cách khoa học về việc tích hợp các chính sách cùng mục tiêu để tập trung nguồn lực và gắn chính sách với ngân sách. Xây dựng những chính sách tạo động lực và kiên quyết loại bỏ những chính sách không còn phù hợp và hạn chế sự ỷ lại của người dân, tạo niềm tin và tự vươn lên thoát nghèo bền vững; xem xét ký kết hiệp định về lao động với các nước láng giềng có chung đường biên giới để các địa phương hai bên có cơ sở pháp lý trong việc hợp tác lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động vì thực tế vẫn diễn ra quan hệ cung cầu giữa các nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa không muốn khoác lên mình chiếc áo nghèo nhưng do điều kiện về địa hình và tự nhiên rất khắc nghiệt, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn nên rất cần sự đồng hành của đồng bào cả nước, sự quan tâm, tạo động lực từ các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực toàn diện, đảm bảo phát triển bền vững và thực hiện xứ mệnh cao cả là thành trì vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc.

Hồ Hương

Các bài viết khác