ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG - TÂY NINH: CẦN TẬP TRUNG NHIỀU GIẢI PHÁP MẠNH MẼ HƠN NỮA ĐỂ GIẢM NỢ CÔNG

28/05/2018

Phát biểu tại Phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước chiều 25/5, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương- Tây Ninh đề nghị cần tập trung nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để giảm nợ công.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương đưa ra quan điểm

Theo đánh giá của ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, so với báo cáo tại kỳ họp lần thứ 4, báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Chính phủ, có một số thay đổi tích cực, trong 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thì có 4 chỉ tiêu đạt, 8 chỉ tiêu vượt, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Nguyên nhân là chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng năng lượng ở các ngành sản xuất và cùng một số khó khăn khác. Mặc dù vậy, năm 2017 có thể nói là một năm thành công đầy ấn tượng của Việt Nam, đáng chú ý là dự kiến tốc độ tăng trưởng đạt 6,7% GDP nhưng đến cuối năm đạt 6,81% GDP, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dưới 4%, cán cân thanh toán ổn định, thu hút vốn FDI vào Việt Nam khá cao, đạt 17,5 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt 54,5 tỷ USD v.v...

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương khẳng định, có được những kết quả thành công như vậy, trước hết phải nói đến sự nắm bắt nhạy bén tình hình trong nước, tình hình quốc tế và đề ra các chủ trương, lãnh đạo kịp thời, phù hợp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác giám sát, quyết định các vấn đề lớn của Quốc hội có những tiến bộ vượt trội, đặc biệt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành năng động, linh hoạt và quyết liệt, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Từ những kết quả đó, đã có những tác động lan tỏa rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018, quý I năm 2018 tăng trưởng GDP ở mức 7,38%, đây là sự bứt phá về tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm qua, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, đầu tư toàn xã hội tăng 10,4%, trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đầu tư từ tư nhân trong nước đều tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 2,8%, lạm phát cơ bản tăng 1,34%, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,18%, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quan tâm tích cực v.v... đó là những chỉ số quan trọng nói rõ tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô, là tín hiệu đáng mừng của môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, tất cả cho thấy bước khởi đầu thuận lợi, cho phép tin tưởng, kỳ vọng vào những kết quả khả quan của năm 2018.

Về những hạn chế tồn tại của năm 2017, những tháng đầu năm 2018 đã nêu trong báo cáo, tôi đồng tình với những nhận định của Chính phủ, đồng thời thống nhất với một số vấn đề cần quan tâm mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra. Thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều mặt hạn chế, khiếm khuyết, báo cáo nêu vẫn chậm được khắc phục một cách hiệu quả, thậm chí có những hạn chế đã được chỉ ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết một cách triệt để, ví dụ như việc giải ngân các dự án đầu tư công luôn thấp, trong thời gian gần đây cử tri còn băn khoăn về những chủ trương, chính sách cải cách tiền lương, doanh nghiệp tự quyết định về chính sách trả lương cho người lao động, chính sách tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến cử tri còn băn khoăn trước những dự kiến chính sách ưu đãi kinh tế và phi kinh tế đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc mà ngay trong kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định. Vì vậy, để có thể đảm bảo hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 6,7% GDP trong năm 2018 ĐBQH Huỳnh Thanh Phương nêu thêm một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, tập trung nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để giảm nợ công. Hiện nay nợ công của Việt Nam mặc dù nằm trong ngưỡng cho phép nhưng sẽ đạt trần và có thể vượt trần nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, quyết liệt, đặc biệt là đối với chi tiêu công. Cho nên cần kiểm soát việc tăng vốn vay, chỉ chi tiêu nếu có nguồn thực sự, gắn trách nhiệm vay nợ, trả nợ trực tiếp với người ra quyết định đầu tư. Không phát sinh nợ vay nếu không có phương án trả nợ khả thi. Rà soát lại các khoản nợ đọng trong nước, tăng cường trả nợ, không để tình trạng quá hạn trả nợ. Giảm chi thường xuyên thông qua việc cơ cấu lại bộ máy tinh giản biên chế, giảm chi các hoạt động khánh tiết, nâng cao hiệu quả đầu tư công để giảm tổng mức đầu tư. Nâng mức đóng góp đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế để giảm bội chi.

Thứ hai, có chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát, giữ cho được ổn định tỷ giá. Trong điều kiện hiện nay chúng ta không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mở rộng tín dụng nhưng chấp nhận tăng tín dụng nhưng không để tăng quá cao và quá dài, vì điều này sẽ tạo rủi ro và hiệu quả không tốt cho nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục cải cách hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, đổi mới tổ chức hoạt động và quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới cần phải trả lời cho được câu hỏi vì sao đã có chủ trương, cơ chế nhưng các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa có thể tự chủ hoạt động được. Bởi lẽ chi tiêu thường xuyên của khu vực này đang là áp lực và là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cần giảm bớt bao cấp, làm tốt các dịch vụ công cũng chính là giảm bớt chi tiêu và gián tiếp tăng thu.

Thứ tư, trong lộ trình cam kết của Việt Nam khi tham gia các sân chơi quốc tế chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu một số loại hàng hóa thì cần phải cơ cấu lại nguồn thu trong nước như thế nào để bù lại. Cải cách chính sách thuế ra sao cho phù hợp với điều kiện thực tế đời sống của nhân dân trong khi dư địa tăng thu ngân sách nhà nước không còn nhiều. Vẫn biết rằng chính sách thuế là công cụ quản lý rất hữu ích, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, thế đúng thì thúc đẩy kinh tế phát triển, còn không đúng sẽ kéo nền kinh tế đi xuống, cho nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trước khi đề xuất áp dụng các loại thuế mới, tránh những phản ứng tiêu cực từ xã hội như trong thời gian vừa qua.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư công, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nhất là công trình hạ tầng phục vụ cho sự phát triển, đây là công việc không thể không làm nhưng cần kiểm soát chặt, tránh lãng phí trong đầu tư, đầu tư không cần thiết. Thực tế hiện nay hàng năm Quốc hội, Chính phủ phải tính toán chi tiết lợi ích cụ thể mới có thể đảm bảo các khoản đầu tư công. Tuy nhiên, lãng phí vẫn xảy ra, giải ngân đạt thấp và sai địa chỉ vẫn còn nhiều, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản. Nhiều trụ sở làm việc xây dựng quá hoành tráng, không phát huy hết công năng, lãng phí trong trang thiết bị. Xây dựng trụ sở chưa gắn với việc thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, trang bị xe ô tô vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong thời gian tới, Chính phủ cần tính toán có cơ chế thích hợp để thu hút mạnh hơn nguồn vốn từ khu vực FDI hay từ nguồn vốn khác vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Có như vậy mới làm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước hiện nay.

Hồ Hương

Các bài viết khác