ĐBQH PHẠM THỊ THU TRANG – QUẢNG NGÃI: KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI QUY ĐỊNH THỜI HIỆU TỐ CÁO

28/05/2018

Tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) vào sáng 24/5, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang - Quảng Ngãi cho rằng, không nhất thiết phải quy định thời hiệu tố cáo.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang - Quảng Ngãi phát biểu tại Hội trường

Thứ nhất, về thời hiệu tố cáo và quy định về thăm, thụ lý tố cáo, đại biểu thống nhất với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không cần thiết phải quy định thời hiệu tố cáo nhằm không tạo xung đột quy định với các luật có liên quan đến quy định về thời hiệu xử lý vi phạm, không làm phát sinh vướng mắc, khó xử lý trong thực tiễn, khi thời hiệu tố cáo còn nhưng thời hiệu xử lý vi phạm đã hết và ngược lại. Đồng thời bảo đảm được sự thống nhất với Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự thì các văn bản này đều không quy định về thời hiệu tố giác tin báo tội phạm, nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do đó, luật không quy định về thời hiệu tố cáo là hợp lý và được xử lý trên nguyên tắc khi nhận được đơn tố cáo, căn cứ vào quy định của pháp luật có liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ không có trách nhiệm thụ lý giải quyết khi thời hiệu xử lý vi phạm đã hết.

Tuy nhiên, để nguyên tắc này được đảm bảo thực thi, đại biểu đề nghị luật sẽ bổ sung quy định nguyên tắc như trên và thiết kế thành một điều luật riêng quy định về các trường hợp không thụ lý tố cáo và trình tự thủ tục khi không thụ lý tố cáo để đảm bảo chặt chẽ hơn. Bởi lẽ, dự thảo luật đã quy định rất rõ về trình tự giải quyết tố cáo tại Điều 28 và thụ lý tố cáo tại Điều 29 nhưng lại không có điều luật nào quy định về nguyên tắc, trường hợp không thụ lý tố cáo và trình tự, thủ tục khi không thụ lý tố cáo được thực hiện như thế nào. Theo đại biểu, việc quy định bổ sung vấn đề này sẽ đảm bảo cho việc làm cơ sở để công chức khi thực thi nhiệm vụ công vụ, khi tiếp nhận thụ lý thông tin, đơn, hồ sơ tố cáo có cơ sở để thụ lý, việc không thụ lý đối với trường hợp cụ thể theo quy định. Đồng thời cũng sẽ hạn chế đối với trường hợp khi không thụ lý nếu hồ sơ không đủ điều kiện cơ sở và thời hiệu xử lý vi phạm đã hết mà công dân không chấp nhận sẽ dẫn đến trường hợp chuyển từ tố cáo sang khiếu nại hành chính, việc tố cáo đối với hành vi không thụ lý công chức thực thi công vụ, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo không cần thiết.

Toàn cảnh phiên họp sáng 24/5

Vấn đề thứ hai, về xác minh thông tin về người tố cáo với điều kiện thụ lý tố cáo tại Điều 24 và Điều 29, tại khoản 1 Điều 24 về xử lý ban đầu thông tin tố cáo quy định "trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo, phải kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo" trong khi Điều 29 về thụ lý tố cáo chỉ quy định điều kiện thụ lý tố cáo mà hoàn toàn không quy định thủ tục, cách thức tiến hành, kiểm tra xác minh điều kiện thụ lý tố cáo là như thế nào, có phải ra quyết định cử người xác minh không, có được mời người đứng đơn tố cáo mang chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân đến đối chiếu, kiểm tra chữ ký, dấu vân tay hay không, người xác minh đến cơ quan công an, chính quyền cơ sở nơi người tố cáo thường trú để xác minh thông tin người tố cáo là đúng người, đúng chữ ký của họ trong đơn hay không, việc xác minh các nội dung như trên có thể vô tình làm lộ danh tính người tố cáo. Do đó, việc kiểm tra điều kiện để thụ lý cần phải quy định rất chặt chẽ thì mới đảm bảo cho người thi hành công vụ khi thực hiện nhiệm vụ tham mưu, thụ lý yên tâm trong hoạt động của mình. Hiện nay, trên thực tế, công chức thi hành công vụ cũng đang rất lúng túng và đang làm theo kinh nghiệm vì pháp luật không quy định rõ cách thức tiến hành, kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý tố cáo.

Thứ ba, việc tố cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp tại Điều 37 quy định thời hạn xử lý tố cáo tiếp là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp. Luật Tố cáo hiện hành quy định là 10 ngày, quy định cứng như vậy khó có tính khả thi bởi các lý do sau đây: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng khó có thể thường xuyên tự mình trực tiếp xem xét hồ sơ vụ việc giải quyết tố cáo trước đó, trường hợp cần thiết mới làm việc trực tiếp với người tố cáo về nội dung tố cáo, thu thập các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan. Nếu giao nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu thì phải qua hàng loạt thủ tục hành chính và phải có thời gian dài hơn. Với thời hạn có 20 ngày kể từ ngày nhận đơn thì khó có thể đưa ra được các kết luận như dự thảo quy định là "kết quả xác minh, kết luận nội dung tố cáo việc quyết định xử lý tố cáo thiếu chính xác và thiếu khách quan, bỏ sót, bỏ lọt chứng cứ quan trọng khi xác minh về kết luận nội dung tố cáo, áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh, kết luận việc ban hành quyết định xử lý tố cáo".

Thực tế, nhiều vụ việc rất phức tạp, nhiều nội dung, tình tiết, sự việc diễn ra đã lâu, việc xem xét, đánh giá kết quả giải quyết tố cáo là đúng hay sai, có phù hợp với tình tiết, bằng chứng trong hồ sơ hay không là rất phức tạp, mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều trường hợp tiến hành thu thập thêm thông tin, tài liệu mới có cơ sở đánh giá. Việc quy định chung một thời hạn cho mọi vụ tố cáo là không sát với thực tế. Việc xem xét lại một kết luận pháp lý phải tiến hành một trình tự pháp lý hết sức chặt chẽ và khoa học do cơ quan có chuyên môn sâu thực hiện và phải có đủ thời gian tham mưu xử lý. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng mở, rộng hơn thời gian xem xét cho phù hợp với tính chất loại vụ việc tố cáo phải có thời hạn giải quyết khác nhau như Điều 30, về thời hạn giải quyết tố cáo. Theo đó, vụ việc được giải quyết theo thời hạn bình thường, không có gia hạn thì thời hạn xử lý đơn tố cáo tiếp là 20 ngày. Vụ việc phải gia hạn một lần thì thời hạn xử lý đơn tố cáo tiếp là 40 ngày. Vụ việc gia hạn 2 lần thì thời hạn xử lý đơn tố cáo tiếp là 60 ngày để đảm bảo thực thi.

Vân Ngọc

Các bài viết khác