ĐBQH TỐNG THANH BÌNH – TỈNH LAI CHÂU: QUAN TÂM BỐ TRÍ NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

28/05/2018

Sáng 25/5, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình những tháng đầu năm 2018, đại biểu Tống Thanh Bình- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ cần quan tâm giải quyết một số vấn đề trong triển khai thực hiện chính sách cho cùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Phát biểu tại hội trường đại biểu Tổng Thanh Bình bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung, kết quả thực hiện kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kết quả thực hiện những tháng đầu năm năm 2018. Nhận định tình hình chính trị đất nước ổn định, kinh tế - xã hội tiếp tục có những bước phát triển tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, quốc phòng, an ninh được tăng cường và đảm bảo giữ vững.

Đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình phát biểu tại hội trường

Để phát huy tốt những kết quả đã đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết của Quốc hội đã đề ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đại biết tham gia góp ý một số vấn đề về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể:

Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc

Về ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu khẳng định thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách dân tộc đặc thù được ban hành góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách cho thấy chính sách được ban hành nhiều, rất phù hợp với điều kiện thực tế và kỳ vọng của nhân dân, song việc bố trí nguồn lực để thực hiện lại hạn chế.

Đại biểu nêu rõ, cá biệt có chính sách từ khi ban hành đến nay vẫn chưa được bố trí vốn hoặc được bố trí rất ít nguồn lực hoặc có đề án nhiều nội dung chưa được bố trí vốn để thực hiện như chính sách theo Nghị định 75 ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; Quyết định 2085, 2086 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, Cống, La Hủ, Cờ Lao theo Quyết định 1672 ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ v.v...

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm xem xét, sớm bố trí vốn để thực hiện chính sách theo lộ trình đã đề ra, đảm bảo chính sách được ban hành thực sự phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với đường lối đổi mới của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội

Cụ thể, đối với dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015-2020, đã được Bộ Công Thương phê duyệt, báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 4295 ngày 28/10/2016, chưa được bố trí vốn theo kế hoạch phân bổ vốn trung hạn 2016-2020. Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xem xét bố trí vốn để có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, đảm bảo đáp ứng hoàn thành kế hoạch theo chương trình đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Điện lực và các bộ, ngành liên quan xem xét cấp bổ sung phần vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để các địa phương thực hiện hoàn thành đồng bộ dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện trong thời gian tới, đáp ứng sự mong chờ của nhân dân các dân tộc vùng dự án.

Ổn định đời sống vùng đồng bào tái định cư các dự án thủy điện

Đại biểu Tống Thanh Bình phản ánh, những năm qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái định cư xây dựng các công trình thủy điện, đồng bào, nhân dân các dân tộc các tỉnh miền núi đã có những hy sinh, đóng góp rất quan trọng vì mục tiêu tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Qua thực tế cho thấy, nhìn chung cuộc sống của người dân sau tái định cư đã có những chuyển biến, thay đổi song vẫn còn nhiều khó khăn do nhân dân di chuyển hoàn toàn đến nơi ở mới, nơi chưa thể bố trí đủ đất sản xuất và các điều kiện sinh sống. Bên cạnh đó việc chuyển đổi nghề ở các vùng này rất khó khăn, không thể thực hiện ngày một, ngày hai dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo tăng nhanh qua các năm và nhiều hệ lụy tai hại, tệ nạn xã hội tiềm ẩn phức tạp.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận bên lề phiên họp toàn thể sáng 25/5

Để đồng bào nhân dân các dân tộc thuộc diện di dân tái định cư các công trình thủy điện thời gian tới có được cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển, thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng dự án ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào sau tái định cư các công trình thủy điện. Trong đó có tỉnh Lai Châu đã có tờ trình số 1894 ngày 14/12/2015 về phê duyệt dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có ý kiến tham gia. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xem xét sớm trình Chính phủ phê duyệt dự án để các địa phương triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

Đại biểu Tổng Thanh Bình cho biết, dự án sử dụng vốn vay ngân hàng phát triển Châu Á xây dựng tuyến giao thông kết nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ - Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án giao thông quan trọng kết nối các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh phía Bắc góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ đặc biệt cao của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Đặc biệt dự án được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhất trí và chỉ đạo có sự ưu tiên cao, triển khai thực hiện. Sự ưu tiên này được thể hiện cụ thể tại các văn bản, kết luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái, Lai Châu. Tuy nhiên thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn.

Để dự án được triển khai đảm bảo đúng tiến độ đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của đồng bào, nhân dân các dân tộc trong vùng thụ hưởng, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đao các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục đàm phán và ký kết với nhà tài trợ trước thời điểm Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn ADF, nguồn vốn vay ưu đãi của ADB và đồng thời đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tổ chức thực hiện.

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội ngày 22/5 tại tổ 17 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Lắk

Ngoài ra, trong phần phát biểu của mình đại biểu Tống Thanh Bình cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào các bộ, ngành liên quan, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 275 về phê duyệt danh sách huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020 để các địa phương triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai thực hiện nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đối với dự án khởi công mới năm 2018.

Bảo Yến

Các bài viết khác