ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG – BẾN TRE: QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI CHỈ LÀ GIỮ HỘ TIỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

29/05/2018

Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre, nhận định, Quỹ Bảo hiểm xã hội xét ở khía cạnh nào đó chỉ là giữ hộ tiền của người lao động chứ đây không phải là tiền của Quỹ.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre phát biểu tại Hội trường

Thứ nhất, về khoản tiền bảo hiểm xã hội mà Chính phủ chuyển về quỹ bảo hiểm xã hội, đây là một khoản tiền không phải là của quỹ bảo hiểm xã hội hay của công đoàn, đây là khoản tiền về quyền lợi của công nhân viên chức nhà nước trước 1995. Khoản tiền này là nghĩa vụ của nhà nước, nghĩa vụ của Chính phủ với tư cách là người đại diện cho nhà nước, là người sử dụng lao động và bình đẳng như những người khác phải chuyển trả cho người lao động. Tuy nhiên, năm 1993 chúng ta chuyển tách quỹ bảo hiểm ra khỏi ngân sách nhà nước, đây là một chủ trương rất đúng, chính vì vậy quỹ bảo hiểm xã hội xét ở khía cạnh nào đó chỉ là giữ hộ tiền của người lao động chứ đây không phải là tiền của quỹ.

Luật năm 2006 đã quy định nghĩa vụ chuyển khoản tiền này nhưng đặc biệt là từ năm 2006 đến năm 2014 tức là trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chính phủ không hề báo cáo Quốc hội, không hề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tính toán khoản này. Đến năm 2015 mới có Báo cáo 480 ngày 9/10/2015 để báo cáo Ủy ban Thường vụ để ra Nghị quyết 1083. Đại biểu cho rằng như thế là rất chậm, qua mấy nhiệm kỳ không đề cập, do đó phương án mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ra Nghị quyết 1083 là tính 2 phương án rất kỹ lưỡng: Phương án thứ nhất là tính lãi tổng cộng 54.000 tỷ; phương án thứ hai là 92.000 tỷ.

Toàn cảnh phiên họp chiều 26/5

Tuy nhiên, lấy lý do vì nhà nước bảo toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội không bị phá sản nên chỉ chuyển phần gốc mà không chuyển phần lãi, đại biểu cho rằng lập luận như thế là không thuyết phục. Theo đại biểu, ít nhất phải tính lãi từ năm 2006 tức là từ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực, đại biểu cũng tán thành phương án tính lãi theo phương án lãi gộp như trong Tờ trình 480 của Chính phủ. Vì chúng ta đã có quyết định về trần nợ công mà không ảnh hưởng đến trần nợ công, tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là không gây sức ép cho trần nợ công của Chính phủ, nhưng không thể thoái thác được nghĩa vụ của nhà nước đối với người lao động. Người lao động là cán bộ, công chức nhà nước. Tất cả những người đó đã hưởng rồi, bây giờ ảnh hưởng đến những người lao động, ảnh hưởng đến các vị đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải tính cả gốc, cả lãi, tính từ 2006 đến nay.

Thứ hai, tán thành phương án chuyển dần 22.090 tỷ theo lộ trình 6.000, 7.000 và 9.000 tỷ theo phương án của Chính phủ.

Thứ ba, Chính phủ tính toán thật kỹ lưỡng về khoản lãi và đề nghị Quốc hội khoanh nợ đến khi nào Chính phủ có điều kiện thì chuyển trả cho quỹ bảo hiểm xã hội để báo cáo với người lao động, báo cáo với toàn dân xác định là Chính phủ hoàn toàn sòng phẳng với tư cách là đại diện của người sử dụng lao động lớn nhất và có tính nhân văn.

Vân Ngọc

Các bài viết khác