ĐBQH PHÙNG ĐỨC TIẾN–HÀ NAM: TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO CÁC CẤP TRONG VIỆC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP CP HÓA, TÁI CƠ CẤU DNNN ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT

29/05/2018

Chiều 28/5, tham gia cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, ĐBQH Phùng Đức Tiến-Hà Nam đề nghị tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt

Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến - Hà Nam phát biểu tại Hội trường

Thứ nhất, về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã và đang góp phần to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và phát huy vai trò kinh tế nhà nước. Vẫn chốt giữ những ngành, lĩnh vực quan trọng, địa bàn quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước vẫn là lực lượng vật chất quan trọng để bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ quan trọng giúp ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động của thị trường, kiềm chế lạm phát, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ các cú sốc từ bên ngoài, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, đặc biệt là vùng sâu vùng xa của đất nước.

Ngoài những kết quả đạt được, còn có những yếu kém như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Quốc hội, động lực phát triển tự thân của doanh nghiệp nhà nước còn đang yếu, hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động còn hạn chế. Theo một số nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nhà nước cần đến 1,63 đồng vốn năm 2011 và 2,15 đồng vốn năm 2014 mới tạo ra 1 đồng doanh thu, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ bỏ ra 1,21 đồng vốn năm 2011 và 1,42 đồng vốn năm 2014 để tạo ra 1 đồng doanh thu, còn các doanh nghiệp FDI chỉ mất 1,05 đồng vốn năm 2011 và 1,12 đồng vốn năm 2014 để tạo ra 1 đồng doanh thu.

Thứ hai, về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa cũng là nội dung trọng tâm của nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong khuôn khổ của chương trình tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp, với con số này, 96,5% số doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và dường như việc cổ phần hóa doanh nghiệp đã đạt kết quả mong đợi. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh đầy đủ, chân thực cổ phần hóa nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu chính là chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả là doanh nghiệp nhà nước sang khu vực có hiệu quả là doanh nghiệp tư nhân.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2016 tiến hành tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng với nỗ lực không nhỏ, song khi nhìn thực chất đa số các đánh giá đều cho rằng kết quả đạt được còn hạn chế. Chỉ tỷ lệ thấp vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước đã cổ phần hóa nghĩa là nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu kết quả đạt được có thể coi là thấp, nguồn lực hầu hết chủ yếu là sở hữu nhà nước.

Tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng là thấp. So với phương án cổ phần doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối còn lớn nên làm giảm mức hấp dẫn tham gia của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp trong tổng số 508 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2015. Nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 15,8% và hết năm 2016 chỉ là 17,5% vốn điều lệ với 571 doanh nghiệp.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều 28/5

Thứ ba, về hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Theo báo cáo của Chính phủ hầu hết doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên, song hoạt động cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp chưa đi vào thực chất do cổ phần hóa chủ yếu được bán cho nội bộ, nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối tổ chức bộ máy. Hoạt động quản trị hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp cổ phần hóa không nhiều thay đổi, 80% vị trí doanh nghiệp nhà nước, như ban điều hành, kế toán trưởng hầu như không thay đổi. Một số doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chịu sự tác động tiêu cực từ cạnh tranh lợi ích thâu tóm quyền kiểm soát nội bộ giữa cổ đông sáng lập và nhà đầu tư chiến lược.

Việc sắp xếp, bố trí nhân sự giải quyết chính sách người lao động dôi dư trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội. Một số doanh nghiệp sau khi nhà nước bán hết vốn chủ sở hữu mới chỉ chú trọng lợi ích như khai thác tiềm năng đất đai, một số lợi thế thương mại, không chú trọng hoạt động chính của doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp không có việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng, tạo gánh nặng và sức ép cho người lao động và xã hội.

Thứ tư, về kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới. Ngoài các giải pháp mà Chính phủ và Quốc hội đưa ra, đại biểu nhấn mạnh thêm:

Một, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật thực hiện mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao. Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cán bộ quản lý doanh nghiệp, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm.

Hai, cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thông qua người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp cổ phần thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Ba, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt.

Vân Ngọc

Các bài viết khác