ĐBQH NGUYỄN CHÍ TÀI – THỪA THIÊN HUẾ: CHÍNH PHỦ CẦN TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆC ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

30/05/2018

Chiều 28/5, tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chí Tài - Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chí Tài - Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội trường

Trước hết, đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc ban hành cũng như tình hình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng tài sản tại nhiều doanh nghiệp về cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chất lượng tài sản của doanh nghiệp từng bước được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cấp đổi mới ứng dụng và làm chủ công nghệ, trang thiết bị, đã tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm vật liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư cao nhất, góp phần không nhỏ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công tác điều hành và giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu đồng tình với nhận định của báo cáo là trong giai đoạn vừa qua hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Doanh thu lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước có tốc độ tăng chậm, chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển.

Với việc tìm ra được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và bất cập, những nội dung mà đoàn giám sát đã kiến nghị đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong xây dựng thể chế, trong hoàn thiện chính sách, trong chỉ đạo điều hành, trong tổ chức thực hiện, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước phát triển. Thực sự là đầu tàu của nền kinh tế, là nguồn lực to lớn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, đối với đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Theo số liệu có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài. Thực hiện đầu tư 110 dự án, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, viễn thông, trồng cao su, khai thác khoáng sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.608 tỷ USD. Trong đó lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thứ hai là Tập đoàn Viễn thông quân đội, thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Tuy nhiên, ở phụ lục báo cáo mới chỉ thông tin về hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Viễn thông quân đội. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo cần giám sát, phân tích đầy đủ hơn, đánh giá kỹ hơn, cung cấp thông tin đầy đủ và cụ thể những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, những hạn chế của việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các dự án làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, được rất nhiều cử tri quan tâm theo dõi của Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp nhiều cho ngân sách của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp chiều 28/5

Thứ ba, lao động có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp, là lực lượng trực tiếp tạo ra của cải, vật chất cho doanh nghiệp trong việc triển khai và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu rất băn khoăn khi chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần chưa đảm bảo tính ưu đãi nên chưa thu hút người lao động. Có trường hợp người lao động sau khi mua cổ phần ưu đãi đã bán lại cổ phần hoặc quyền mua cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư khác ở trong hoặc ngoài doanh nghiệp để hưởng chênh lệch khiến cho mục tiêu gắn bó của người lao động với doanh nghiệp không đạt kết quả như mong đợi.

Từ thực trạng đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ có những giải pháp để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động trong việc mua cổ phần ưu đãi nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động trong việc tham gia quản lý, giám sát doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp một cách thực chất hơn, giúp cho hoạt động của công ty cổ phần được công khai và minh bạch.

Thứ tư, trong thời gian qua doanh nghiệp nhà nước thực hiện rất tốt nhiệm vụ chính trị ở một số lĩnh vực, làm đầu tàu, tạo động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, góp phần vào việc ổn định chính trị, an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội nhưng chưa có cơ chế hạch toán rõ ràng nên ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tách bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, đại biểu cho rằng các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước cần đẩy mạnh công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp, phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong bối cảnh tình hình mới, kiện toàn bộ máy quản lý, chú trọng công tác kiểm soát nội bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường, lựa chọn những cán bộ đã trải qua những cương vị công tác quản lý, được thử thách trong thực tiễn, thực sự có năng lực để lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, coi chất lượng lao động là vốn quý của doanh nghiệp, tập trung vào kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chính, xây dựng lộ trình và thực hiện thoát vốn tại các doanh nghiệp góp vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho nhà nước. Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng đi đầu trong đổi mới khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ.

Vân Ngọc

Các bài viết khác