ĐBQH NGUYỄN MINH ĐỨC–TP.HỒ CHÍ MINH: CHÍNH PHỦ CẦN QUY ĐỊNH RÕ CÁC THÔNG TIN VỀ DN CỔ PHẦN HÓA VÀ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC

30/05/2018

Tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức - Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ cần có quy định rõ, công khai, minh bạch các thông tin cả về doanh nghiệp cổ phần hóa và cả tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức - TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường

Sau khi đọc báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề thực hiện tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quá trình cổ phần hóa cũng như hậu cổ phần hóa. Đặc biệt trong phần chỉ ra những vướng mắc cũng như bất cập trong quá trình cổ phần hóa, cả hai báo cáo đều chỉ ra rằng quá trình sắp xếp cổ phần hóa tiến triển chậm, tỷ lệ vốn nhà nước được cổ phần hóa và bán ra ngoài xã hội còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đã đề ra.

Bàn về vấn đề này, hai báo cáo của Chính phủ cũng như của Quốc hội đều đã chỉ ra được các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, theo các cử tri gửi tới Quốc hội và Chính phủ thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp chính là chúng ta chưa thu hút được nhiều cổ đông chiến lược vào quá trình cổ phần hóa, nhất là các nhà chiến lược đầu tư quốc tế. Tại sao lại chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, do có quy định về việc khống chế sở hữu cổ đông chiến lược nước ngoài tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp và giá bán cổ phần là chưa theo chuẩn của quốc tế, thiếu công khai, minh bạch, thiếu thông tin trong quá trình cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa phức tạp và phương thức bán cổ phần chưa linh hoạt.

Một vấn đề nữa, các cử tri cũng băn khoăn với nguyên nhân này, đó là tư duy quản lý doanh nghiệp hậu cổ phần hóa vẫn còn theo những tư duy quản lý trước cổ phần hóa doanh nghiệp, cho nên vẫn còn lúng túng cho việc xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh cũng như giải quyết các lợi ích của những người đang làm việc trong các doanh nghiệp này. Trên cơ sở các giải pháp của Chính phủ, đại biểu hoàn toàn nhất trí. Để quá trình tiến triển về thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất cũng như hậu cổ phần hóa doanh nghiệp, đại biểu có thêm một số ý kiến sau đây:

Một là cổ phần hóa doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện triệt để hơn không chỉ về số lượng mà cần phải có sự thay đổi lớn cả về chất, tức là theo báo cáo trong số các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa từ giai đoạn 2011 - 2016 thì thực tế chỉ có khoảng 8% số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa chuyển giao cho khu vực tư nhân. Điều này có nghĩa khu vực tư nhân tham gia vào bộ máy quản lý thiết kế chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa còn hạn chế, vì thế nên hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chậm cải thiện. Do vậy, Chính phủ cần tập trung cổ phần hóa về vốn và cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn vào bộ máy quản trị doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều 28/5

Hai, để đạt mục tiêu hiệu quả cổ phần hóa nói chung và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược quốc tế, họ không chỉ mang lại nguồn tài chính mới mà còn mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và sự phát triển của những ngành công nghiệp có liên quan. Muốn đạt được điều này, Chính phủ cần có quy định rõ, công khai, minh bạch các thông tin cả về doanh nghiệp cổ phần hóa và cả tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để loại bỏ nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại giá trị tăng thực chất, phù hợp hoạt động doanh nghiệp. Chính phủ nên cân nhắc mở rộng lĩnh vực ngành nghề mà nhà đầu tư chiến lược nắm giữ, cổ phần chi phối trừ lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như quốc phòng an ninh. Việc đánh giá doanh nghiệp cần tiến hành độc lập bởi các đơn vị có nhiều kinh nghiệm quốc tế và trong nước dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành kết hợp với thông lệ quốc tế. Giá bán cổ phần phải dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp thay vì dựa vào giá giao dịch trên thị trường chứng khoản bởi giá trị đó chỉ đại diện cho một lượng cổ phần giao dịch trên thị trường.

Cần tiếp cận cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dưới con mắt của nhà đầu tư và tuân theo cơ chế thị trường thay vì tiếp cận cách của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy doanh nghiệp cổ phần hóa mới được định giá đúng. Chỉ khi doanh nghiệp được định giá đúng mới hớp dẫn được cổ đông chiến lược.

Ba là phải lập được công thức phân chia tỷ lệ cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cho thế hệ người lao động có bội số là 5 năm làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước đó. Tỷ lệ cổ phần này không nên thấp hơn 25% và không quá 35% tổng cổ phần được phép để chia cho tổng suất 5 năm làm việc của người lao động từng làm việc trong doanh nghiệp. Số cổ phần còn lại bán trên thị trường tài chính thu tiền về để nhà nước dùng vào việc khác. Dành một tỷ lệ từ 15 đến 25% hỗ trợ doanh nghiệp đó, tài cấu trúc sản xuất kinh doanh theo hướng chiến lược của nhà nước. Dành một tỷ lệ nhỏ hơn từ 10% đến 15% trợ giúp số cán bộ, nhân viên hiện hữu được đào tạo lại nhằm ổn định công việc ở doanh nghiệp hậu cổ phần hóa hoặc tự nguyện chuyển đi làm việc nơi khác. Phần còn lại chiếm 65% đến 75% chuyển về nhập vào ngân sách nhà nước chi theo Luật Ngân sách nhà nước.

Bốn là nếu cổ phần không bán hết thì tổng mệnh giá còn lại chính là vốn góp của nhà nước vẫn còn lại tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa. Số cổ phần này phải chuyển thành cổ phần ưu đãi để Nhà nước hưởng cổ tức cố định mà không cần cử người đại diện nằm tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa đó nữa. Cơ quan quản lý vốn nhà nước sẽ theo dõi tất cả vốn nhà nước còn lại ở mọi doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, nếu ở đó chưa bán hết cổ phần theo luật. Ngay khi doanh nghiệp làm ăn khấm khá nhà nước sẽ thoái vốn và nhanh chóng, thoái hết vốn đó khỏi doanh nghiệp để rút vốn về ngân sách nhà nước.

Vân Ngọc

Các bài viết khác