ĐBQH PHAN THÁI BÌNH – QUẢNG NAM: CẦN NGHIÊN CỨU KỸ LẠI VIỆC BỐ TRÍ QUỸ ĐẤT TƯƠNG ỨNG ĐỂ THAY THẾ KHI THU HỒI ĐẤT SỬ DỤNG VÀO CÔNG TRÌNH THỂ DỤC, THỂ THAO

01/06/2018

Sáng 31/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Quảng Nam cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lại việc bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế khi thu hồi đất sử dụng vào công trình thể dục, thể thao.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Quảng Nam phát biểu tại Hội trường

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đối với Luật Thể dục, thể thao, đại biểu Phan Thái Bình xin góp ý như sau:

Thứ nhất, về thi đấu thể dục, thể thao nhà trường tại Điều 25, cần khuyến khích tạo thuận lợi cho thể thao nhà trường là cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều này quy định: "nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể dục thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học" như vậy mang tính bắt buộc. Đại biểu phân vân: Nếu quy định bắt buộc thế này chắc chắn các trường phải thực hiện. Luật khó khả thi vì ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trường học còn khó khăn, kinh phí tổ chức hoạt động này sẽ rất khó. Một số cấp học ví dụ cấp mầm non tổ chức thi đấu thế nào? Theo đại biểu, nên khuyến khích còn nếu bắt buộc chỉ ở những cấp học nhất định như từ trung học cơ sở trở lên sẽ hợp lý hơn.

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao. Trong dự thảo luật tại điểm b khoản 1 quy định: "được chăm sóc và chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu thể thao". Đại biểu cho rằng quyền này cần thiết và thực tế, vì đối với vận động viên này số lượng không nhiều mà nguy cơ rủi ro trong khi luyện tập thi đấu cao nên được chữa trị, chăm sóc chấn thương là hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta quy định trong thời gian tập luyện và thi đấu, đây là vấn đề đặt ra mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu. Đại biểu ủng hộ phương án này, nhưng quy định như trên nếu trong thời gian tập luyện và thi đấu mà xảy ra chấn thương hoặc sau đó phát hiện chấn thương do tập luyện thi đấu thì có hỗ trợ điều trị chấn thương này không.

Một thực tế là nếu như vận động viên đã bị chấn thương thì chắc chắn không thể tập luyện và thi đấu được, như vậy là không còn nằm trong thời gian tập luyện và thi đấu nữa, vì luật quy định phải chặt chẽ, theo đại biểu, sửa chữ "trong thời gian" thành "do" sẽ chuẩn và phù hợp hơn.

Thứ ba, về quỹ đất dành cho khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Ở phương án một và hai, nếu chúng ta quy định bắt buộc phải dành quỹ đất, quy hoạch quỹ đất cho khu công nghiệp và khu công nghệ cao thì sẽ xảy ra mấy vấn đề sau đây:

Một là sẽ rất khó khăn nếu như ở khu công nghiệp, công nghệ cao không có nhiều quỹ đất.

Hai, đại biểu đồng tình với rất nhiều quan điểm khu công nghệ cao và khu công nghiệp, chủ yếu quỹ đất là dành cho sản xuất là hợp lý.

Ba, trong luật cũng đã quy định, kể cả Luật Đất đai, các luật liên quan về quy hoạch đều quy định là khu công nghiệp và khu công nghệ cao đều có thể có khu dân cư hoặc các khu dân cư ở ngoài, gần đấy. Trong thực tế, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, nơi tập trung đông công nhân thì thường ở gần đó sẽ có quy hoạch khu dân cư, trong luật hiện hành đã quy định là ở khu dân cư thì đã có quỹ đất dành cho thể thao rồi.

Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Theo đại biểu, nên chọn phương án 1, bởi đó là phương án mở, nếu ở khu công nghiệp, khu công nghệ cao mà có quỹ đất thoải mái thì vẫn quy hoạch dành quỹ đất cho các nhà thi đấu thể dục, thể thao vẫn không có tác dụng, còn nếu quy định bắt buộc phải có thì chỗ nào cũng phải có. Do vậy, phát sinh ra là cả khu công nghiệp có, mà khu dân cư cạnh đó cũng có, mà thật ra thời gian công nhân đến lao động và sản xuất ở khu công nghiệp xong thường là về sinh hoạt ở khu dân cư, thời gian nghỉ ngơi hay tập luyện, thi đấu thể dục thể thao thường diễn ra trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, trừ những hoạt động lớn, quy mô cấp có thẩm quyền tổ chức thì mới tổ chức trong giờ làm việc. Chúng ta nên quy định chọn phương án một hợp lý hơn để thực hiện việc này thuận lợi, khu nào, nơi nào có quỹ đất thì quy hoạch, nơi nào không có thì không phải bắt buộc, bởi vì quy định ở khoản 1 không cấm các khu công nghiệp và khu công nghệ cao là không được dành quy hoạch quỹ đất cho thể dục, thể thao. Như thế rất mở để thuận lợi trong quá trình áp dụng và phù hợp với thực tiễn, bởi vì thực tiễn nhiều nơi các khu công nghệ cao, khu công nghiệp đã có quy hoạch quỹ đất đã xây dựng các nhà thi đấu thể dục, thể thao đa năng rất lớn nhưng rất ít được sử dụng, gây lãng phí cả quỹ đất và gây lãng phí cả về cơ sở hạ tầng.

Vấn đề thứ tư, bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế khi mà thu hồi đất sử dụng vào công trình thể dục, thể thao, chuyển về đất sử dụng, đại biểu đồng ý quan điểm phải nghiên cứu kỹ lại. Khi thu hồi đất dành cho thể dục, thể thao rồi, để bố trí quỹ đất tương ứng thay thế thì tương ứng thế nào, tương ứng về diện tích hay tương ứng về vị trí. Nếu như chỉ là diện tích và trong thực tiễn nhiều nơi nhiều khi thu hồi và chuyển mục đích sử dụng lại bố trí ở một khu không cần thiết, chỉ cho có quỹ đất thôi, tức là đồng bằng với diện tích đó nhưng khu đất không thể xây dựng được các công trình thể dục, thể thao, như vậy gây ra lúng túng, rất khó khăn trong thu hồi đất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải hết sức nghiên cứu lại quy định chỗ này cho chặt chẽ.

Vấn đề thứ năm, đặt cược thể dục, thể thao, tại kỳ họp thứ 4, đại biểu đã thống nhất nên đưa việc này vào luật và Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu đưa vào luật và theo quy định này, đây là một quy định mới. Tuy nhiên, trong thực tế đại biểu vẫn nhắc, nếu chúng ta không đưa vào luật thì cá cược trong thể dục, thể thao vẫn diễn ra mà dẫn đến thất thu ngân sách, rất khó quản lý, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội. Do vậy, chúng ta đưa vào luật và với dự thảo như hiện nay là rất hợp lý, quy định nguyên tắc, quy định khung như thế này và Chính phủ sẽ quy định cụ thể, phù hợp với từng loại hình cá cược và từng thời điểm. 

Vân Ngọc

Các bài viết khác