ĐBQH LÊ QUANG TRÍ – TIỀN GIANG: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH LỢI DỤNG HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ ĐỂ THU THẬP THÔNG TIN, GÂY HẠI ĐẾN AN NINH, QUỐC PHÒNG QUỐC GIA

02/06/2018

Chiều 1/6, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí - Tiền Giang, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định: lợi dụng hoạt động đo đạc bản đồ để thu thập thông tin, gây hại đến an ninh, quốc phòng của quốc gia tại Điều 6 dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí - Tiền Giang phát biểu tại Hội trường

Thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia ý kiến một số vấn đề sau:

Một, về giải thích từ ngữ, tại Điều 3 đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung giải thích từ ngữ "mốc đo đạc quốc gia và mốc đo đạc chuyên ngành".

Hai, về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, tại Điều 4. Tại khoản 1 điều này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ trên đất liền, trên không và trên biển vào sau cụm từ "toàn vẹn lãnh thổ" để quy định được chặt chẽ và đầy đủ.

Ba, về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ, tại Điều 6, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định: lợi dụng hoạt động đo đạc bản đồ để thu thập thông tin, gây hại đến an ninh, quốc phòng của quốc gia.

Bốn, về hoạt động khoa học và công nghệ về đo đạc và bản đồ, tại Điều 7. Tại điểm b khoản 2 điều này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung "phát triển kinh tế - xã hội" vào sau cụm từ "ứng phó biển đổi khí hậu". Như vậy, điểm b khoản 2 điều này đề nghị thể hiện lại như sau: "nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động đo đạt và bản đồ cơ bản, đo đạt và bản đồ chuyên ngành phục vụ quốc phòng an ninh phòng chống thiên tai cứu hộ cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội".

Năm, về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành tại Điều 22. Khoản 9 điều này đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ từ "atlat", vì đây là từ chuyên ngành địa lý thường dùng để chỉ tập bản đồ quốc gia. Từ này chỉ được dùng một lần trong suốt dự án luật nên không cần đưa vào. Do vậy, khoản 9 điều này đề nghị thể hiện lại như sau: "thành lập tập bản đồ quốc gia đo đạc thành lập bản đồ chuyên ngành khác không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 điều này".

Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Sáu, về thành lập bản đồ hành chính tại Điều 26. Tại khoản 2 và 3 điều này đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung "chỉnh lý biến động bản đồ hành chính" vào sau cụm từ "thành lập bản đồ hành chính Việt Nam và thành lập bản đồ hành chính cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời cập nhật bản đồ hành chính khi có sáp nhập, chia tách tỉnh, huyện, xã".

Bảy, về xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc tại Điều 36, khoản 4 điều này đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ "bảo trì' vào sau cụm từ "vận hành" vì nội dung được quy định tại điểm b khoản 3 là trạm định vị vệ tinh chuyên ngành. Trạm này cần được bảo trì để đảm bảo hoạt động liên tục.

Tám, về bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc tại Điều 38. Tại khoản 4 về trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc còn sự chồng chéo trong quy định bảo vệ mốc đo đạc cơ sở chuyên ngành giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại điểm b và c khoản này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ quy định một cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ mốc đo đạt cơ sở chuyên ngành.

Chín, về cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ tại Điều 40. Tại khoản 4 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia. Tại khoản 5 quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Đại biểu thống nhất với nội dung này, tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về tần suất cập nhật để cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Mười, về giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ tại Điều 51, tại khoản 2 "đối với tổ chức nước ngoài", đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về phạm vi hoạt động của tổ chức nước ngoài trong giấy phép để phòng ngừa nguy cơ các tổ chức này lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ để thu thập thông tin gây phương hại đến an ninh, quốc phòng của Việt Nam.

Mười một, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ tại Điều 55 và quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong nước hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ tại khoản 1 Điều 55 và khoản 1 Điều 56 quy định về quyền của tổ chức và cá nhân trong hoạt động đo đạc và bản đồ gồm có 4 điểm. Tuy nhiên, 4 điểm này là như nhau, do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rút gọn 2 điều Điều 55 và Điều 56 thành một điều.

Mười hai, về trách nhiệm của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ tại Điều 57 điểm i khoản 2 và điểm đ khoản 4, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung "đăng tải thông tin" để thống nhất với quy định tại Điều 54.

Vân Ngọc

Các bài viết khác