ĐBQH LÊ MINH CHUẨN – QUẢNG NINH: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG THÊM CỤM TỪ “ĐẢM BẢO BÍ MẬT NHÀ NƯỚC” TRONG CÔNG TÁC HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

05/06/2018

Chiều 1/6, tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ, đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn - Quảng Ninh cho rằng, Ban soạn thảo nên bổ sung thêm cụm từ “đảm bảo bí mật Nhà nước” trong công tác hoạt động đo đạc và bản đồ.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn - Quảng Ninh phát biểu tại Hội trường

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn cho rằng, Ban soạn thảo dự án luật đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, bộ, ban, ngành cũng như các địa phương và đã hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội kỳ họp thứ 5 này.

Từ thực tiễn đặc thù của ngành, đại biểu xác định công tác địa chất và trắc địa như con mắt người dẫn đường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Hằng năm, ngành thi công hàng trăm km đường lò nằm sâu dưới lòng đất, có những dạng đứng, dạng nghiêng và dạng bằng với thiết diện khác nhau, nằm sâu dưới mực nước biển hàng trăm mét. Tại kỳ họp này để hoàn chỉnh dự án Luật đo đạc và bản đồ, để sớm đi vào cuộc sống, đại biểu tham gia một số ý kiến sau:

Thứ nhất, sự cần thiết để ban hành Luật Đo đạc và bản đồ, đại biểu cho rằng rất cần thiết phải ban hành một Luật Đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Đây là một sự thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác đo đạc và bản đồ, bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hoạt động đo đạc bản đồ của Nhà nước và khắc phục tình trạng chồng chéo gây lãng phí cho vấn đề phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Dự án Luật đo đạc bản đồ có liên quan đến rất nhiều những luật khác, trong đó công tác đo đạc và bản đồ có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc phòng. Vì vậy, để bảo mật, cần đặc biệt phải cụ thể vào trong luật và trong dự thảo luật lần này đã mở rộng đến các đối tượng là cá nhân và tổ chức từ nước ngoài như từ Điều 41, Điều 43, Điều 60, đại biểu cho rằng chưa đủ. Đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung thêm cụm từ “đảm bảo bí mật Nhà nước” trong công tác hoạt động đo đạc và bản đồ.

Các đại biểu làm việc tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Thứ ba, Điều 29 về đo đạc và thành lập bản đồ công trình ngầm. Tại khoản 3 Điều 29 dự án luật có ghi là chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình ngầm phải tiến hành đồng thời đo đạc và thành lập một bản đồ kỹ thuật số gửi tới Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong công tác xây dựng, xây lắp và xây dựng công trình ngầm thì công tác trắc địa và đo đạc có một vai trò đặc biệt quan trọng. Mặc dù hiện nay vấn đề thi công các đường ngầm và các công trình ngầm có rất nhiều các phương tiện hiện đại nhưng không bỏ qua được công tác trắc địa. Có thể nói, công tác trắc địa quyết định tới sự thành bại của một công trình ngầm. Từ thực tiễn, đại biểu đề nghị sửa khoản 3 Điều 29 cho gọn: Chủ đầu tư xây dựng các công trình ngầm phải thành lập công trình ngầm và nộp một bộ bản đồ số hiện trạng về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đại biểu, gọi như thế thì dễ hiểu và dễ vận dụng hơn.

Tại khoản 2 của điều này, dự thảo luật ghi là "việc đo đạc và thành lập bản đồ công trình ngầm phải tuân thủ quy trình kỹ thuật quốc gia”. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc và thành lập bản đồ công trình ngầm. Xuất phát từ ba nội dung, việc đo đạc và lập bản đồ nhất là trong công trình ngầm thì đây là chuyên ngành đòi hỏi chuyên môn rất cao; công tác trắc địa đo đạc để thành lập bản đồ công trình ngầm đòi hỏi quy định và quy chuẩn về công tác đo đạc và lập bản đồ rất chặt chẽ, mà hiện nay chúng ta đã thực hiện theo chủ trì của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình quản lý đô thị và phát triển đô thị thì bản đồ công trình ngầm cũng chỉ là một tài liệu trong rất nhiều tài liệu để liên kết quản lý đô thị. Cũng trong dự thảo luật này, Điều 57 mục 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước.

Tại Nghị định 81 ngày 17/7/2017 quy định chức năng của Bộ Xây dựng là ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm và cũng tại khoản 8 mục e thì hướng dẫn xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin và hệ thống công trình đô thị. Đại biểu thấy quy định như vậy rất chồng chéo, vì vậy, để thống nhất và đỡ chồng chéo trong quá trình thực hiện luật, đại biểu đề nghị giao chủ trì quản lý bản đồ công trình ngầm này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy thì khoản 2 Điều 29 nên sửa lại theo hướng việc đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm phải tuân thủ quy trình kỹ thuật quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc và thành lập bản đồ công trình ngầm.

Vân Ngọc

Các bài viết khác