ĐBQH HOÀNG VĂN HÙNG – THÁI NGUYÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT: TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG?

06/06/2018

Chiều 4/6, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng - Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng - Thái Nguyên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Hoàng Văn Hùng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra. Việc xử lý chưa hiệu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở trên các sông, như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Cầu, sông Đồng Nai. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận rằng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông đặc biệt trong những tháng vừa qua nổi lên, đó là một xu thế hiện nay chúng ta chưa làm đảo ngược được, trong đó có 3 nguyên nhân chính:

Nguyên nhân thứ nhất, chúng ta có thể làm được đó là các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, trong thời gian vừa qua về cơ bản Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương đã kiểm soát về cơ bản các nguồn thải này, đồng thời có những biện pháp rất cụ thể để yêu cầu xử lý đạt tiêu chuẩn và giám sát kiểm soát, trước khi thải ra môi trường. Điều này có thể làm được, riêng có một điều hiện nay rất khó khăn, đó là do quá trình phát triển cơ sở đầu tư hạ tầng, do chưa chú ý đến khâu thu gom nguồn nước thải, nước thải với nước mưa lẫn với nhau. Nói chung gần như hạ tầng các đô thị hiện nay rất yếu kém, cỡ khoảng 95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống lại là các công nghiệp cũ lạc hậu biến tướng tham gia khu vực này với năng lực và điều kiện hạn chế nhưng chưa kiểm soát được hết các làng nghề và khu công nghiệp này. Đây là lý do có thể nói nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Vấn đề làm rõ trách nhiệm lưu vực sông nhiều địa phương, địa phương nào có trách nhiệm đến đâu hiện nay đã có cơ chế, có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông nhưng thực tế thời gian đã có tiến bộ bước đầu xác định là địa phương nào có nhiều nguồn nước thải, địa phương nào có điều kiện kinh tế khá hơn và các địa phương phải lo xử lý tại nguồn nước của mình.

Toàn cảnh phiên chất vấn tại Hội trường chiều 4/6

Hiện nay với cơ chế sắp tới sẽ xác định nguồn nước thải của từng địa phương và có cơ chế trách nhiệm của từng địa phương, Hà Nội đã có cơ chế huy động xã hội hóa đầu tư tư nhân vào áp dụng công nghệ phù hợp và tiến hành xử lý được và dự kiến đến năm 2020 tư nhân hóa để tham gia xử lý nguồn nước thải với sự hỗ trợ bù giá của thành phố Hà Nội bên cạnh chi phí còn thấp của người dân.

Theo Bộ trưởng, có những giải pháp sau để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường:

Giải pháp thứ nhất là xác định từng thành phố phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình.

Giải pháp thứ hai là phải có sự đầu tư huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải này và có công nghệ thích hợp xử lý phân tán hoặc xử lý chung.

Giải pháp thứ ba là phải từng bước để người dân có tham gia vào việc này, tức là hiện nay chi phí xử lý nước thải đóng góp chỉ khoảng 7% trong chi phí xử lý thật, chứ không đảm bảo. Với trách nhiệm cụ thể của từng địa phương sẽ thiết lập hệ thống giám sát của địa phương này địa phương kia. Trên cơ sở đó với cơ chế đầu tư, trách nhiệm từ nguồn lực nhà nước cũng như cơ chế để xã hội hóa chúng ta có thể giải quyết vấn đề trong tương lai gần. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hết sức trao đổi làm việc với Hà Nội, đặc biệt làm vai trò đánh giá được nguồn nước thải của từng địa phương và cung cấp các công nghệ cần thiết.

Vân Ngọc

Các bài viết khác