ĐBQH DƯƠNG MINH ÁNH – TP.HÀ NỘI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ – TB &XH: GIẢI PHÁP THÁO GỠ VẤN ĐỀ TỰ CHỦ CHO CÁC TRƯỜNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VÀ THỂ DỤC THỂ THAO

07/06/2018

Chiều 05/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - TP.Hà Nội, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề tự chủ cho các trường văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - TP Hà Nội chất vấn tại Hội trường

Phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Dương Minh Ánh cảm ơn Bộ trưởng đã quan tâm giải quyết tốt cơ chế đặc thù đối với các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và bổ sung một số trường nghệ thuật và trường trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên đến nay đa số các trường thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao còn hết sức khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất. Đặc biệt nhiều địa phương đang triển khai chủ trương giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo nghị quyết trung ương 6 và 7. Đây là thử thách và có tác động rất lớn với các trường thuộc nhóm đặc thù này.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có giải pháp gì để tháo gỡ cho các trường văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh về cơ chế đặc thù, giao tự chủ có biện pháp gì hỗ trợ, tháo gỡ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước hết, việc tự chủ là một chủ trương nhất quán và chủ trương này đã được Trung ương cũng như Chính phủ cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương. Nhưng nói đến tự chủ của giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa tự chủ tức là cắt hết toàn bộ kinh phí. Tự chủ ở đây quan trọng nhất là được giao quyền tự chủ về quản lý, tổ chức bộ máy, giáo trình, giáo viên, liên kết đào tạo v.v... đảm bảo cho các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng động nhất, hiệu quả nhất theo hướng tinh gọn nhất, làm sao để đáp ứng yêu cầu học sinh sinh viên nhiều nhất và ra trường có việc làm kết nối doanh nghiệp, thì đây là điều quan trọng hơn.

Thứ hai, về tài chính, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng nghị định của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng những đơn vị mà có điều kiện, có khả năng tự chủ toàn phần và tự chủ ngay thì tiến hành ngay. Hiện nay đã thí điểm 3 trường tự chủ toàn phần, 21 trường thuộc khu vực lực lượng vũ trang cũng tự chủ, qua quá trình 2 năm triển khai thấy rằng số sinh viên đầu vào tăng lên nhiều lần, đời sống giáo viên, thu nhập của giáo viên tăng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Như vậy, không phải tự chủ là hạn chế. Tự chủ không có nghĩa là chúng ta cào bằng, ở những tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi, hay một số ngành nghề đào tạo, lĩnh vực có tính chất chuyên biệt, ví dụ như nghề múa, các nghề truyền thống, văn hóa như khôi phục truyền thống hát chèo, tuồng v.v... thì phải có cơ chế hoàn toàn khác so với mặt bằng chung. Những ngành nghề đặc biệt thì nhà nước chuyển sang đặt hàng theo đầu ra, ví dụ có ngành văn hóa nghệ thuật mà 1 thầy 1 trò thậm chí 2 thầy mới được 1 trò, mà quá trình học từ sơ cấp đến trung cấp mất 9 năm, thì những ngành nghề đặc thù ấy nhà nước có cơ chế riêng biệt về vấn đề này.

Riêng về khối văn hóa nghệ thuật, theo Bộ trưởng, chúng ta có hơn 40 trường, những năm trước đây nằm ở khối giáo dục quản lý, từ 1/1/2017 thì chuyển toàn bộ về cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Bộ đã căn cơ, đưa một số trường xếp vào trường chất lượng cao, một số trường vào tiêu chuẩn chuẩn để đầu tư nâng cấp, còn thời gian tới khi sửa nghị định thì những trường chuyên biệt, ngành nghề chuyên biệt, khu vực đặc thù thì phải có một cơ chế riêng, chuyển sang đơn đặt hàng và tính theo sản phẩm đầu ra có sinh viên ra và sinh viên có việc làm để trả lương và học phí cũng như nhà nước đầu tư cho các chương trình này, chứ không phải khối văn hóa nghệ thuật hay một số trường chuyên biệt, một số lĩnh vực chuyên biệt cào bằng trong tự chủ như vậy.

Vân Ngọc

Các bài viết khác