ĐBQH HỒ THỊ VÂN – QUẢNG NGÃI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT: MẤT BAO LÂU ĐỂ ĐI HẾT CON ĐƯỜNG QUÁ ĐỘ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

08/06/2018

Sáng 6/6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân - Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng cho biết, mất bao lâu để đi hết con đường quá độ của ngành giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân - Quảng Ngãi chất vấn tại Hội trường

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân - Quảng Ngãi cho biết, đại biểu rất trân trọng và đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của Bộ trưởng trong thời gian qua. Nói về sự thay đổi để đổi mới, Bộ trưởng đã từng nói: Giáo dục của chúng ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận thay đổi để đổi mới.

Vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ mất khoảng bao lâu để đi hết con đường quá độ này. Hiện nay, sau khá nhiều những thay đổi, chúng ta đã đi đến đâu, đến giai đoạn nào của con đường quá độ. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng dự kiến sẽ đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn đại biểu Hồ Thị Vân, Bộ trưởng cho biết, đổi mới, đặc biệt là đổi mới giáo dục, đào tạo thì không nóng vội được vì liên quan đến con người, liên quan đến rất nhiều các nhóm đối tượng khác nhau nên phải có sự quá độ. Trước khi đổi mới thì phải tuyên truyền, tranh thủ ý kiến mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm, mặc dù chưa tốt, nhưng quá độ là cần thiết, không thể cứ thấy bí, vướng là làm ngay thì động chạm đến rất nhiều vấn đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất ý thức điều này, đây là vấn đề rất nhạy cảm nên phải có lộ trình, phải có bước đi. Việc thi cử cũng vậy, chúng ta đi từ giai đoạn 2 kỳ thi trong một năm rất tốn kém, chuyển đến là một kỳ thi 2 mục đích, nhưng các cụm, địa phương khác nhau, đến năm 2017 đã tương đối ổn định kỳ thi và đã được nhân dân, cử tri về cơ bản đồng tình, cho là tốt và Bộ đã giữ tương đối ổn định, có chỉnh sửa nhưng chỉnh sửa ở những vấn đề cho tốt hơn và tiếp tục nghiên cứu để cùng với lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa, không phải làm ngay hoặc không thực hiện gì vì chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản thì không thể đứng im được, cộng với xu hướng của xã hội, xu hướng của thế giới thì chúng ta phải chuyển.

Điểm tiếp theo là chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và có kết quả. Ví dụ, đối với giáo dục mầm non đã hoàn thành được phổ cập mầm non 5 tuổi. Đây là một cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, toàn dân. So với các nước trong khu vực, nước ta được UNICEF đánh giá rất cao là phổ cập mầm non 5 tuổi. Đây là một thành công mà nhiều tổ chức quốc tế cũng ghi nhận. Huy động trẻ 5, 6 tuổi vào học lớp 1 cũng thuộc dạng cao sau Singapo, ASEAN. Đây là cố gắng rất lớn về kết quả.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6

Đối với các bậc tiểu học thì được khối tiếng Pháp đánh giá về đọc hiểu và toán cũng tốt và PISA mặc dù còn ý kiến khác nhau nhưng cũng ghi nhận được kết quả đổi mới phổ thông. Gần đây là World Bank cũng ghi nhận. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề. Quốc hội đang chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 88 gần đây là Nghị quyết 51, xây dựng chương trình tổng thể đã cụ thể các chương trình môn học và đang thẩm định một cách rất kỹ lưỡng và sẽ ban hành và triển khai viết sách giáo khoa trong thời gian tới.

Trong lúc chờ đợi chương trình mới thì Bộ đã chỉ đạo, các địa phương rất quyết liệt, đổi mới dần để chương trình hiện hành giảm tải hơn, phù hợp hơn với chủ trương chuyển từ phương thức đào tạo nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực. Đây là quá trình chuyển, tuy không phải sốc nhưng vô cùng gian lao. Nhân đây rất mong cử tri, nhân dân và các thầy cô, các vị đại biểu chia sẻ với ngành. Trong quá trình chuyển đổi có những vấn đề thuộc về quan điểm nhưng có vấn đề thuộc về điều kiện thực hiện. Trong nhiệm kỳ nếu để kết luận phải làm được gì thì cũng chưa đủ căn cứ, nhưng Bộ trưởng tin trong từng mốc thời gian phải có kết quả cụ thể. Đối với nhiệm kỳ Chính phủ phân cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng thấy chương trình sách giáo khoa phải rõ ràng, ban hành xong. Về chất lượng phải có chuyển biến rõ nét.

Về đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm mạnh về tự chủ, đổi mới có tính chất đột phá. Trong đó có hướng chuyển dần các trường đại học công lập, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và Trung ương 7 để làm sao các trường tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần vào nâng cao năng suất lao động, giải quyết những vấn đề nút thắt về thị trường lao động. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất ý thức điều này và cùng toàn ngành, sự cộng tác của các bộ, các địa phương, đặc biệt là các thầy cô giáo và học sinh, Bộ có đủ cơ sở để tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có những kết quả chuyển biến, có một số kết quả rõ nét.

Vân Ngọc

Các bài viết khác