ĐBQH K` NHIỄU – LÂM ĐỒNG, CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GD & ĐT: BỘ CÓ GIẢI PHÁP GÌ MỚI ĐỂ CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN ĐẠT HIỆU QUẢ

08/06/2018

Sáng 6/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội K`Nhiễu - Lâm Đồng đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì mới để chế độ cử tuyển đạt hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội K`Nhiễu - Lâm Đồng phát biểu tại Hội trường

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu K`Nhiễu - Lâm Đồng gửi tới Bộ trưởng hai câu hỏi:

Thứ nhất, trong thời gian qua chế độ cử tuyển bộc lộ rất nhiều bất cập, hạn chế, có nhiều tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số thời gian gần đây không có đối tượng cử tuyển. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục tiếp tục quy định chế độ cử tuyển nhưng không có chính sách gì mới so với trước đây. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì mới để chế độ cử tuyển đạt hiệu quả?

Thứ hai, hiện tượng tiêu cực và những hình ảnh xấu, không tốt đã xảy ra với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian qua ảnh hưởng, tác động xấu đã tạo nên sự trăn trở, bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của cử tri đối với ngành giáo dục trong lĩnh vực này. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về việc này và có những biện pháp hữu hiệu nào để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian tới.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu K`Nhiễu - Lâm Đồng, Bộ trưởng cho biết, cử tuyển là một chính sách rất quan tâm của Đảng và Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc cũng như các bộ, ngành liên quan quan tâm qua nhiều chính sách, trong đó có cử tuyển. Cách đây khoảng 5, 7 năm chính sách này phát huy tác dụng rất cao. Vì số huyện khó khăn của các tỉnh cử người đi học và các em đi học về được bố trí việc. Nhưng gần đây, do nhiều lý do khác nhau nên chính sách cử tuyển có vấn đề. Vì có nhiều cháu đi học về không bố trí được việc làm và rất nhiều những băn khoăn, trăn trở và những phản ứng bức xúc của đồng bào. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chỉ đạo kỳ họp trước của Quốc hội, tiến hành khảo sát. Qua khảo sát, đặc biệt diện 30a và những vùng khó khăn đã rà soát và đưa vào sửa đổi Luật Giáo dục lần này đi theo hướng thiết thực và gắn nữa trách nhiệm của người cử tại địa phương, người học và chính sách đối với những đối tượng cử tuyển này.

Về giáo dục mầm non, đây là một trong những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Cho đến nay chúng ta có 15.000 các cơ sở giáo dục mầm non với 337.000 giáo viên mầm non. Về cơ bản các cơ sở giáo dục mầm non và các thầy cô rất tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt xảy ra phổ biến các nhóm trẻ dân lập, tư thục, có những trường hợp bạo hành mà báo chí nêu không thể chấp nhận được với thuần phong mỹ tục. Đặc biệt trong ngành giáo dục thì với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng rất phản đối và cũng đã có những ý kiến, tiếng nói và chỉ đạo kiên quyết những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất phải đưa ra khỏi ngành không chần chừ. Còn các cơ sở để xảy ra phải đình chỉ và thậm chí phải đóng cửa, trong thực tế các địa phương vào cuộc rất nhanh cũng giải quyết đó.

Tới đây để thực hiện một cách căn cơ thì có nhiều giải pháp ở ngoài ngành, trong ngành nhưng theo Bộ trưởng đã tính toán và phải xác định nhiệm vụ là căn cơ đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và đương nhiên phải có chế độ hợp lý. Hiện nay chế độ giáo viên mầm non thấp quá, theo quy định là trung cấp mà trung cấp lương khởi điểm là 1,86 cộng vào ra trường chỉ có 2 triệu 400 nghìn đồng, với tiền lương này các cô rất khó khăn. Đây là lý do gây áp lực. Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp đúng người, đúng việc nhưng mặt khác đi kèm chế độ đãi ngộ và chính sách. Đồng thời, điều kiện về trường, lớp rất khó khăn với lớp mầm non.

Vân Ngọc

Các bài viết khác