ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN - TP.CẦN THƠ CHẤT VẤN PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHÍNH PHỦ SẼ CÓ NHỮNG ƯU TIÊN VẤN ĐỀ GÌ ĐỂ THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

08/06/2018

Chiều ngày 06/6, Quốc hội đã có phiên chất vấn với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Đưa ra ý kiến chất vấn tại phiên làm việc, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những ưu tiên cụ thể gì để thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân chất vấn tại phiên họp

Chất vấn tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho biết, Chính phủ có Nghị quyết 120 về phát triển đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tạo ra một kỳ vọng rất lớn cho chính quyền và người dân của đồng bằng sông Cửu Long về những chương trình cụ thể, thúc đẩy sự phát triển của vùng đất nhiều tiềm năng và có vai trò rất lớn đối với đất nước. Theo nghị quyết có 17 Ủy ban, bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành được phân công thực hiện. Tuy nhiên, đến nay thì việc triển khai các chương trình tiến triển còn chậm, ngoại trừ gần đây Thủ tướng đồng ý chi 2.500 tỷ đồng để chống và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển cho vùng này. Phó Thủ tướng Chính phủ từng là Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhiều năm chắc chắn Phó Thủ tướng Chính phủ hiểu rất rõ đồng bằng sông Cửu Long đang cần gì và ưu tiên làm gì trước. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới với nguồn lực có hạn, Chính phủ sẽ có những ưu tiên cụ thể gì để thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng hết sức quan tâm đến lĩnh vực này, đã tổ chức ở Cần Thơ một hội nghị mà trong 3 ngày và bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đi trực thăng để quan sát toàn bộ khu vực của đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh. Chúng ta mời rất đông các nhà khoa học, các đối tác phát triển của Việt Nam đến tham dự và sản phẩm của hội nghị này là Chính phủ đã ban hành được Nghị quyết 120 vừa nãy tôi báo cáo với Quốc hội. Đây là một sự quan tâm rất lớn của Chính phủ. Để thực hiện Nghị quyết 120 chúng ta phải sử dụng một biện pháp quản lý tổng hợp về đồng bằng sông Cửu Long mà đầu tiên là quản lý tổng hợp về tài nguyên nước.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn

Giải thích thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nước ta mưa nhiều nhưng 60% đến 70% lượng nước của Việt Nam phụ thuộc nước ngoài. Như hôm trước Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nói lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, chất lượng nước, phù sa, các vi sinh vật cảnh khi xuống đến hạ nguồn đã bị mất rất nhiều. Nền đất của đồng bằng sông Cửu Long rất yếu, lại sụt lún tự nhiên cộng với khai thác nước ngầm một cách vô nguyên tắc nên nó càng sụt lún thêm. Người ta đánh giá nước ta là nước có tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu. Đối với Việt Nam đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi chịu ảnh hưởng tác động lớn nhất.

Trên cơ sở Nghị quyết 120 Chính phủ áp dụng cả những công trình giải pháp, công trình và những giải pháp phi công trình. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói hôm kia tôi rất tán thành, ngay việc xói lở của bờ sông, bờ biển chúng ta phải có quan điểm là dành không gian nào đó cho bờ sông, dọc sông không có nghĩa là sát các bờ sông cho nên ngày trong quy hoạch đô thị và phát triển các khu dân cư, Thủ tướng đã giao cho Bộ Xây dựng xây dựng một quy hoạch tổng thể về đô thị hóa của đồng bằng sông Cửu Long.

Về nông nghiệp chúng ta thực hiện tái cơ cấu không phải theo từng tỉnh mà theo 3 vùng tài nguyên nước là nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Quy chế và cách chúng ta quản lý là giống nhau. Ngoài việc tổng hợp chung cả đồng bằng, thời kỳ chúng tôi còn làm trưởng ban đã thống nhất còn có đề án liên quan đến những tiểu vùng như bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên hay vùng Đồng Tháp Mười, tất cả những cái này đều là lãnh đạo các tỉnh chủ trì và chúng ta đã xây dựng đưa vào thực hiện.

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 06/6

Về nguồn lực như Chính phủ báo cáo vừa rồi Thủ tướng đã ưu tiên xuất gấp 1.500 tỷ từ dự phòng ngân sách năm 2018 này để hỗ trợ giải quyết những bất cập và bức xúc nhất liên quan đến sạt lở và di dời để đảm bảo an toàn tính mạng đời sống cũng như tài sản cho đồng bào. Đề nghị Quốc hội cho phép ứng 1.000 tỷ trong chi tiêu công trung hạn, dự phòng cũng bổ sung thêm. Ngoài ra, các dự án ODA và các công trình đầu tư khác cũng đã được Chính phủ tập trung quyết liệt vào đây. Đối với cơ cấu vùng, hiện nay Thủ tướng đang giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là người thay mặt Chính phủ để điều phối công tác liên kết vùng và Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan cùng với Bộ Nông nghiệp để chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Nghị quyết 120 này.

 

Mai Trang

Các bài viết khác