ĐBQH NGUYỄN SỸ CƯƠNG - NINH THUẬN: QUẢN LÝ PHÂN BÓN NHẤT THIẾT PHẢI DỰA TRÊN QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT...

12/06/2018

Cho ý kiến về dự thảo Luật Trồng trọt tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng quản lý phân bón nhất thiết phải dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thảo luận tại hội trường

Góp ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận thấy, trồng trọt liên quan đến một chuỗi, từ đất trồng trọt đến nguồn gen cây trồng, đến giống cây trồng, tưới tiêu, phân bón, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa môi trường, công nghệ thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, đó là chưa kể việc tiêu thụ tổ chức nông sản, như thế mới là đầy đủ.

Dự thảo luật chưa bao quát hết những vấn đề liên quan đến trồng trọt nên không cân đối các yếu tố tham gia vào quá trình trồng trọt. Trong khi các đối tượng cần quản lý liên quan đến trồng trọt hoặc là quá ít, hoặc là thiếu. Ví dụ, như vấn đề nguồn gen, đất trồng trọt, bảo vệ thực vật và nước tưới. Có ý kiến cho rằng, đất trồng trọt thì theo quy định của Luật Đất đai; bảo vệ thực vật thì theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; nước thì theo quy định của Luật Thủy lợi. Theo đại biểu, cần quy định các yếu tố đó với tư cách các loại vật tư đầu vào được sử dụng trong trồng trọt và cần nghiên cứu, bổ sung quy định về nguồn gen, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, về nước tưới trong quá trình canh tác để kiểm soát một cách toàn diện quá trình canh tác và đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Xin nêu một ví dụ, đất trồng trọt rất quan trọng, những vấn đề liên quan đến đất lúa, đến chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa, vấn đề bóc lớp đất mặn tại nhiều nơi sau khi đã khai thác khoáng sản, hay đất trồng trọt do đốt và phá rừng cũng cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Luật ban hành ra phải bao quát vấn đề liên quan đến các nội dung có liên quan chứ không để tình trạng trong cùng một lĩnh vực mà việc quản lý nhà nước bị chia cắt ở các luật khác nhau.

Cũng vì phạm vi điều chỉnh không bao quát nên bố cục dự thảo luật mất cân đối, dự thảo luật có 82 điều mà riêng Chương II về giống cây trồng đã có tới 6 mục, 37 điều, tức là non nửa. Chương III về phân bón với 5 mục và 18 điều, trong khi một chương cũng rất quan trọng là canh tác nông nghiệp chỉ có 9 điều. Cả một chuỗi từ khâu thu hoạch, mua, bán, bảo quản, sơ chế, chế biến cho đến xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt đưa hết vào một chương là Chương V với vẻn vẹn có 4 điều. Có thể với cách tư duy như vậy nên nguyên nhân dẫn đến việc phải giải cứu nông sản trong thời gian vừa qua chăng. Đại biểu đề nghị cần phải bố cục lại, bổ sung lại các quy định sao cho cân đối và đúng với tính chất của trồng trọt được hiểu là một chuỗi canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh.

Vấn đề thứ hai, quản lý phân bón quy định tại Chương 3. Phân bón là vấn đề nhức nhối nhất trong nông nghiệp trong thời gian vừa qua, nên nhiệm vụ của dự án luật nhằm giúp việc quản lý tốt về phân bón là rất nặng nề. Vừa rồi tôi có nhận được văn bản của Cục bảo vệ thực vật với tư cách là cơ quan được giao quản lý nhà nước về phân bón hiện nay.

Với thực trạng bát nháo về phân bón hiện nay, mặc dù quy trình quản lý phân bón trong dự thảo luật còn hơi rườm rà nhưng đại biểu nhận thấy vẫn có thể chấp nhận nhằm mục đích quản lý chặt chẽ về phân bón. Trước tình trạng đang tồn tại gần 20.000 loại phân bón trên thị trường và hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón trên cả nước, với công suất 29,5 triệu tấn/năm. Dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng. Chưa kể chống nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay chưa mang lại hiệu quả. Một vụ sản xuất phân bón giả mười mươi như công ty Thuận Phong, theo tôi so với nạn phân bón giả cũng chỉ hơn móng tay một chút nhưng đến nay vẫn thể hiện một sự bất lực. Việc quản lý phân bón nói chung, làm sao để loại bỏ dần, đồng thời chuẩn hóa các loại phân bón cơ bản là rất cần thiết.

Đại biểu đề nghị chỉnh lý lại Chương II theo hướng quản lý phân bón nhất thiết phải dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Hiện nay bộ tiêu chuẩn này vẫn chưa có và đang xây dựng. Phải coi trọng quản lý, điều kiện, quy trình sản xuất, kỹ thuật, kinh doanh phân bón và các doanh nghiệp được đăng ký chỉ được công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường.

Quy trình khảo nghiệm trước đây bị thả nổi cho doanh nghiệp và việc khảo nghiệm chỉ là hình thức, nay giao cho 22 trung tâm, vừa là trung tâm được nhà nước thành lập, vừa là xã hội hóa được cấp phép khảo nghiệm. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hy vọng sẽ mang lại hiệu quả nhưng phải quản lý một cách nghiêm ngặt tránh tiêu cực như trước đây mà bộ phải xử lý kỷ luật một số cán bộ do cấp không hợp chuẩn phân bón. Đại biểu đề nghị xem lại quy định việc gửi đề cương cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để khảo nghiệm lần đầu, trong trường hợp kết quả khảo nghiệm của sở với 22 trung tâm kia có khác nhau thì giải quyết như thế nào, phải có quy định cụ thể.

Các quy định về quản lý phân bón trong dự luật được tích hợp khá tốt từ Nghị định 108 thay thế Nghị định 202 trước đây. Tuy nhiên, Nghị định 108 mới ban hành và đi vào thực thi được khoảng 8 tháng nên chưa thấy hết những hạn chế bất cập của các quy định đó. Đại biểu đề nghị quy trình quản lý phân bón nên giao cho Chính phủ để tránh sửa đổi luật liên tục khi muốn sửa đổi quy trình quản lý phân bón. 

Mai Trang

Các bài viết khác