ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY - BẾN TRE: VIỆC QUẢN LÝ PHÂN BÓN CẦN TẬP TRUNG VÀO QUẢN LÝ NGUYÊN LỆU, CHẤT LƯỢNG VÀ CÁCH THỨC SỬ DỤNG PHÂN BÓN

12/06/2018

Chiều 8/6, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng việc quản lý phân bón trong luật nên tập trung vào quản lý nguyên liệu làm phân bón, chất lượng phân bón, phân bón nhập khẩu và cách thức sử dụng các loại phân bón

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp về vấn đề chính sách nhà nước về trồng trọt, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Cùng chiến lược phát triển ngành trồng trọt thì chiến lược chính sách phát triển ngành này là linh hồn của luật nhằm định hướng xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ thực tiễn việc áp dụng chính sách đảm bảo an ninh lương thực thời gian qua đối với cây lúa cho thấy người trồng lúa không được bảo đảm lợi ích khi trồng theo quy hoạch, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa nhưng không có chính sách bảo trợ của nhà nước cho tương thích chỉ được hỗ trợ một phần thiệt hại khi bị thiên tai và những hỗ trợ khác nếu có cũng không đến được với người trồng lúa. Trong khi sản xuất lúa vẫn theo nguyên tắc thị trường, điều này dẫn đến bất chấp và cảnh báo trồng không theo quy hoạch gây ra nhiều hậu quả, phải tổ chức nhiều cuộc giải cứu nông sản trong thời gian qua. Đại biểu đề nghị chính sách của nhà nước được xây dựng ở điều này không cần dài nhưng cần xác định rõ định hướng và phù hợp với khả năng nguồn lực, phải được cụ thể hóa, tương thích với các điều luật tiếp theo. Theo đại biểu, cần nghiên cứu phân chia chính sách theo 3 nhóm:

Thứ nhất, chính sách phát triển ngành trồng trọt theo lĩnh vực, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh an toàn, tái sử dụng các phụ phẩm trong trồng trọt. Ví dụ như sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao chuyển giao giống kháng bệnh, kháng hạn, kháng mặn, thích ứng biến đổi khí hậu cần có chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu công nghệ và đào tạo lao động v.v...

Thứ hai, chính sách phát triển ngành trồng trọt theo vùng miền, ở vùng đồng bằng cần có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung tích tụ ruộng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa và khuyến khích liên kết trong sản xuất, đảm bảo tính bền vững. Vùng miền núi, hải đảo điều kiện canh tác khó khăn nên khuyến khích sản xuất hữu cơ, sản xuất giống, phát triển các giống bản địa. Vùng thành thị khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch.

Thứ ba, chính sách phát triển ngành trồng trọt theo đối tượng cây trồng, ưu tiên phát triển cây trồng chính, cây trồng an ninh lương thực, các cây trồng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ đối với các giống lai, các cây giống đầu dòng, vùng giống cây lâm nghiệp, vùng giống để nâng cao chất lượng vật liệu giống.

Về những hành vi cấm, hầu hết các điều cấm nhằm vào đối tượng sản xuất, kinh doanh, còn đối tượng khác trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thì chưa được điều chỉnh trong luật, định hướng hành vi của những đối tượng này vì nền nông nghiệp an toàn bền vững. Ví dụ hành vi bán nước mặt, làm giảm độ phì của đất, trong khi Luật Đất đai thì khuyến khích cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, hay hành vi đào giếng ngầm lấy nước mặn trong vùng ngọt quá ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cây trồng. Hành vi mua bán các bộ phận của cây làm ảnh hưởng đến năng suất sinh trưởng hoặc làm tiệt chủng một số giống cây bản địa quý như bán rễ cây tiêu, hoa cây thanh long, sử dụng nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý để tưới cây trồng, phun thuốc không đúng đối tượng. Thời gian qua Bộ Nông nghiệp cũng có ban hành một số thông tư không cấm bán một số loại thuốc nhưng cấm sử dụng trên một số loại cây trồng. Điều này cần quy định rõ trong điều cấm.

Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân buôn bán cây giống được quy định tại Điều 33, theo tôi chưa sát thực tế. Bởi vì, hiện nay các cơ sở buôn bán cây giống vừa sản xuất vừa kinh doanh giống, kinh nghiệm sản xuất giống và kỹ thuật nhân giống rất chuyên nghiệp, việc quy định các cơ sở sản xuất giống phải có cán bộ có trình độ kỹ thuật từ trung cấp trở lên có thể dẫn đến việc cho thuê bằng cấp, chi phí tăng cao không cần thiết do phải thuê cán bộ có bằng cấp. Theo đại biểu, việc quy định cơ sở sản xuất giống phải có cán bộ kỹ thuật là cần thiết để siết chặt quản lý chất lượng giống lưu thông trên thị trường nhưng chỉ nên giới hạn ở những lĩnh vực phù hợp như cơ sở sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng ở các cơ sở khảo nghiệm giống, hay quy định là điệu kiện bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất giống, các loại cây trồng mà đòi hỏi nghiêm ngặt về phương pháp nhân giống mà kỹ thuật nhân giống có thể ảnh hưởng đến chất lượng giống và bản chất di truyền của giống.

Về nguyên tắc và hình thức công nhận phân bón lưu hành tại Điều 46 đến Điều 48. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tán thành với việc cần phải quản lý điều kiện, quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh phân bón. Các doanh nghiệp phải đăng ký công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường. Với lý do hiện nay cả nước có 6.150 tên phân bón đang được lưu hành. Số tên phân bón được lưu hành sẽ còn tăng thêm, vì thực tế hiện nay việc sản xuất một loại phân bón mới ở các cơ sở sản xuất nhỏ rất dễ, chỉ cần pha trộn hoặc bổ sung thêm thành phần vào những những loại phân bón sẵn có theo một công thức nào đó đều có thể hình thành và đăng ký tên một loại phân bón mới.

Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng cho phép các cơ sở tự công bố tiêu chuẩn và áp dụng tiêu chuẩn do mình công bố. Đồng thời, mỗi năm Việt Nam sử dụng gần 30 triệu tấn phân bón. Trong những năm qua tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra khá nhiều, nên cần thiết phải quản lý chặt hơn.

Theo đại biểu, quản lý phân bón trong luật này nên tập trung vào quản lý nguyên liệu làm phân bón, chất lượng phân bón, phân bón nhập khẩu và cách thức sử dụng các loại phân bón. Việc xuất khẩu phân bón đã có các rào cản kỹ thuật trong thương mại của các nước nhập khẩu. Việc ghi nhãn hàng hóa hay quảng cáo đã có các luật liên quan điều chỉnh, chỉ bổ sung những vấn đề nào mà luật khác chưa quy định.

 

Mai Trang

Các bài viết khác