ĐBQH HOÀNG THỊ THU TRANG – NGHỆ AN: BẮT BUỘC PHẢI THỰC HIỆN XONG HÌNH PHẠT TIỀN VÀ ÁN PHÍ THÌ MỚI ĐƯỢC XEM XÉT ĐẶC XÁ

13/06/2018

Sáng 11/6, tham gia cho ý kiến vào dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An đề nghị quy định bắt buộc phải thực hiện xong hình phạt tiền và án phí thì mới được xem xét đặc xá.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An phát biểu tại Hội trường

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho ý kiến, về điều kiện thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền và án phí, tại điểm c khoản 1 Điều 10 quy định là đã chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí. Trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Theo đại biểu, nên bỏ quy định tùy nghi này đi, phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm. Quy định này rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng v.v.. Đối với những loại tội này thì nhất định phải thực hiện xong hình phạt tiền và án phí rồi mới được xem xét đặc xá, luật không nên trao cho Chủ tịch nước trách nhiệm xem xét mức độ thực hiện hình phạt tiền án phí của từng người một, trong số hàng nghìn người, như vậy quá chi ly, không cần thiết và không khả thi. Trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại thì đã được quy định tại Chương III của dự thảo. Việc bỏ quy định tùy nghi này góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện đặc xá.

Về điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự được bản án tuyên bao gồm cả bồi thường thiệt hại được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10. Nhà nước với tư cách là người buộc tội có quyền tha miễn hình phạt cho người phạm tội, khi họ đáp ứng được những điều kiện do nhà nước đặt ra. Còn nghĩa vụ dân sự, trong đó bao gồm cả bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra nhằm bù đắp những tổn thất, thiệt hại đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và các cá nhân bị hại. Khi đặc xá nhà nước có thể tha, miễn hình phạt, nhưng những hậu quả thiệt hại gây ra thì người chấp hành hình phạt tù vẫn phải khắc phục. Vì vậy, nhà nước phải xử lý một cách hợp tình, hợp lý hai mối quan hệ này, chính sách nhân đạo cũng phải thực hiện công bằng với người phạm tội và cả với người bị hại.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp cung cấp thì từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2018, tổng số tiền phải thi hành của người đang chấp hành án hình phạt tù 104.000 tỷ đồng, số đã thi hành được chỉ có 8.000 tỷ đồng, tức là chỉ đạt được 8%. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3,5 năm có đến gần 95.000 tỷ đồng của nhà nước, của các tổ chức và cá nhân bị hại chưa được thi hành, có nghĩa là còn một khoảng thiệt hại tổn thất lớn chưa được bù đắp. Vì vậy, quy định việc chấp hành nghĩa vụ dân sự thành một điều kiện bắt buộc để xem xét đặc xá là hết sức cần thiết, tạo ràng buộc để người phải thi hành án và người thân của họ nỗ lực, cố gắng thực hiện nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh đồng người có điều kiện thi hành án dân sự mà không chấp hành với người không có điều kiện thi hành án dân sự, tránh tình trạng quá nhân đạo với người có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành hoặc quá khắt khe đối với người cải tạo tốt nhưng về kinh tế thì thực sự khó khăn. Theo đại biểu, phải căn cứ vào điều kiện thi hành án dân sự của phạm nhân, căn cứ vào mối quan hệ giữa điều kiện thi hành án và kết quả thi hành của họ để nhìn nhận đánh giá ý thức cải tạo chấp hành pháp luật từ đó có cách xử lý khác nhau.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng 11/6

Cụ thể theo Luật Thi hành án dân sự sau khi bản án quyết định có hiệu lực, có đơn yêu cầu thi hành án phần nghĩa vụ dân sự thì cơ quan thi hành án phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Qua xác minh chia sẻ có hai loại, một là người có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ tổ chức vận động nếu như không tự nguyện thi hành thì sẽ cưỡng chế. Còn có một nhóm thứ hai đó là chưa có điều kiện thi hành án thì thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định chưa có điều kiện và vụ việc này sẽ được xếp vào diện theo dõi cho đến khi có tài sản thu nhập mới tiếp tục thi hành. Theo đại biểu, Luật Đặc xá nên có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất với Luật Thi hành án dân sự ở điểm này, có như vậy mới phù hợp với thực tiễn, có nghĩa là chúng ta nên cần phân người phải thi hành án dân sự là phạm nhân thành hai trường hợp:

Một là phạm nhân có điều kiện thi hành án, đối với nhóm phạm nhân này thì phải chấp hành nghĩa vụ dân sự trong khả năng mà mình có thể thì mới được xem xét đặc xá. Trường hợp này nếu như không chấp hành thì không thể đánh giá có ý thức chấp hành pháp luật tốt được, không thể đánh giá có ăn năn hối cải được. Vì vậy, không nên xem xét đặc xá, trừ trường hợp người được thi hành án có văn bản đồng ý. Tuy nhiên, không nên quy định việc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá để làm điều kiện đặc xá, vì khi có điều kiện thi hành án bị ràng buộc đang ở trong tù nhưng cũng không chấp hành thì khi ra tù việc tự nguyện chấp hành phần dân sự rất không khả thi.

Hai là phạm nhân chưa có điều kiện thi hành án. Việc này được thể hiện bằng quyết định chưa có điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Nếu đủ các điều kiện mà luật này quy định mặc dù chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự bởi họ không có điều kiện thi hành cũng có thể xem xét để đặc xá. Thực tiễn qua công tác xác minh của cơ quan thi hành án dân sự cho thấy nhiều phạm nhân có hoàn cảnh gia đình, kinh tế hết sức éo le, khó khăn, gia đình ly tán, nhà cửa tan hoang, bị người thân ruồng rẫy, tài sản không có gì, họ không thể có khả năng thi hành án nghĩa vụ dân sự. Đối với trường hợp này theo tôi nên tạo cơ hội trả tự do cho họ để họ có điều kiện lao động, thi hành phần nghĩa vụ dân sự mà không cần có sự đồng ý của người được thi hành án. Bởi vì trong trường hợp người được thi hành án không đồng ý lại ảnh hưởng đến khả năng được đặc xá của họ.

Vân Ngọc

Các bài viết khác