ĐBQH ĐOÀN THỊ THANH MAI – HƯNG YÊN: CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CẦN CÔNG KHAI CHI PHÍ CỤ THỂ CỦA MỘT SUẤT ĐÀO TẠO ĐỂ XÁC ĐỊNH HỌC PHÍ

14/06/2018

Chiều 12/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai - Hưng Yên đề nghị trong dự thảo cần quy định là các cơ sở giáo dục đại học cần công khai chi phí cụ thể của một suất đào tạo để xác định mức học phí.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai - Hưng Yên phát biểu tại Hội trường

Việc triển khai thực hiện dự án Luật giáo dục đại học từ năm 2012 đến nay đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, tạo điều kiện để phát triển giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Một minh chứng cụ thể, lần đầu tiên Việt Nam chúng ta có hai trường đại học lọt vào top danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục QS Anh Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện những quy định của Luật Giáo dục đại học vẫn phát sinh một số hạn chế liên quan đến các quy định về tự chủ và quản trị đại học, quản lý đào tạo, quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. Đây là những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, để hoàn thiện hơn dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Tại khoản 4 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Luật Giáo dục đại học. Dự thảo luật quy định "Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức xếp hạng cơ sở giáo dục đại học". Tuy nhiên, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học không nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư. Đồng thời, cần cân nhắc nếu việc thành lập các tổ chức xếp hạng lại giao cho các cơ quan nhà nước quy định điều kiện thì có còn đảm bảo tính khách quan, độc lập của các tổ chức xếp hạng và kết quả xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học này hay không.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường chiều 12/6

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng của mình, ví dụ bảng xếp hạng đại học thế giới QS là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục QS Anh Quốc. Dựa trên 4 tiêu chí đánh giá các trường đại học bao gồm: Nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế. Do đó, đại biểu cũng đề nghị dự thảo cần quy định rõ là xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học cần làm rõ xếp hạng này là tự nguyện hay bắt buộc, có phải theo tiêu chí cụ thể, thống nhất trên toàn quốc nào hay không?

Nội dung thứ hai về cơ cấu tổ chức của trường đại học quy định tại khoản 7 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Luật Giáo dục đại học. Dự thảo luật quy định "trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức", trong khi đó cơ cấu của trường đại học tư thục lại phải đáp ứng yêu cầu của luật này. Theo đại biểu, 2 loại hình này đều xuất phát từ nguồn vốn tư nhân, tuy nhiên quy định của dự thảo luật cho thấy có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, phần nào thể hiện sự ưu ái đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế hiện nay trong các lĩnh vực khác thường chỉ phân biệt về sở hữu vốn và các hoạt động được phép thực hiện giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước theo hướng quyền của nhà đầu tư trong nước lớn hơn hoặc bằng quyền của nhà đầu tư nước ngoài, chưa có trường hợp hạn chế quyền của nhà đầu tư trong nước. Do vậy, để đảm bảo tính hợp lý trong quy định của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm về lý do quy định như vậy và cần đảm bảo không phân biệt đối xử về cơ cấu tổ chức bắt buộc giữa các trường đại học tư thục.

Nội dung thứ ba về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học quy định tại khoản 15 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 32 Luật Giáo dục đại học. Đại biểu tán thành quy định về các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ là phù hợp với chủ trương của Chính phủ là đến năm 2020 các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn.

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2015 -2017 thấy rằng cơ chế tự chủ đã cho thấy một số kết quả tích cực. Ví dụ, tự chủ về tổ chức bộ máy là cơ sở để nhà trường tái cấu trúc, nâng cao chất lượng nhân sự, một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với các giảng viên có trình độ cao. Hay tự chủ về tài chính giúp các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Với tỷ lệ tăng thu chênh lệch 6% so với tỷ lệ tăng chi, các trường tự chủ đã có nguồn tài chính cho việc lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội khác của các nhà trường. Các mục chi tăng mạnh của các trường đầu tư vào các lĩnh vực như mua sắm trang thiết bị chiếm 84,4%, hay chính sách học bổng cho sinh viên chiếm 39,5%. Hay tài trợ, viện trợ là 35,5% và các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học chiếm 33,7%. Nhờ có cơ chế học phí mới các trường cũng cơ hội và thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách học bổng, học phí như gia tăng số học bổng, số suất học bổng đối với các đối tượng chính sách, cụ thể là nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên tăng 10 lần, từ 18 tỷ đồng trước khi tự chủ lên tới 186 tỷ đồng năm 2015 đến năm 2016.

Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh ý kiến của một số trường đại học thuộc một số lĩnh vực thu hút sinh viên hiện nay như kinh tế, y dược đều tán thành cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến của một số trường lo lắng về khả năng cạnh tranh khi tăng học phí.

Với điều kiện hiện nay, điều người học quan tâm nhất chính là chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ của nhà trường, do đó đề nghị trong dự thảo cần quy định là các cơ sở giáo dục đại học cần công khai chi phí cụ thể của một suất đào tạo để xác định mức học phí. Bên cạnh đó thực tế không ít sinh viên có những hoàn cảnh khó khăn, vì vậy khi các trường thu học phí cao cần có những quy định về học bổng, chính sách hỗ trợ nhóm sinh viên này.

Vân Ngọc

Các bài viết khác