ĐBQH TRẦN VĂN MÃO – NGHỆ AN: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH ĐƯỢC MỞ MÃ NGÀNH CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

14/06/2018

Chiều 12/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão - Nghệ An cho rằng, Luật cần phải cân nhắc về quy định được mở mã ngành của các trường đại học.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão - Nghệ An phát biểu tại Hội trường

Sau khi nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý trong dự án luật. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh dự thảo luật, đại biểu có một số ý kiến tham gia vào dự án luật như sau:

Thứ nhất, về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, tại khoản 3 Điều 9 quy định, Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Theo đại biểu, mục đích của việc sắp xếp hạng các trường đại học là nhằm giúp người học tham khảo trường phù hợp, đồng thời là cơ sở đầu tư nâng cấp trường cũng như giúp các nhà tuyển dụng nhân lực. Trên thế giới việc xếp hạng các trường đại học ở các nước là do các tổ chức xã hội độc lập công bố để cộng đồng tham khảo, không cần thiết phải có sự công nhận của các cơ quan nhà nước, nhưng ở Việt Nam việc xếp hạng các trường đại học do Chính phủ quy định, như vậy chưa phù hợp với xu thế thế giới, dễ tạo ra sự nghi vấn của xã hội về sự trung thực của kết quả xếp hạng. Trên thực tế xếp hạng là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường cung cấp cho xã hội một kênh thông tin tham khảo, không nhất thiết phải là một công cụ quản lý về giáo dục của nhà nước.

Thứ hai, về thành lập Hội đồng trường so với luật hiện hành thì dự thảo luật lần này đã có nhiều điểm đổi mới, đặc biệt vấn đề tự chủ đại học thành lập Hội đồng trường và giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng các trường đại học. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa thấy thể hiện rõ việc giao quyền tự chủ, tự quyết cho Hội đồng trường khi đề cập cụ thể về Hội đồng trường như chức năng, cơ cấu vẫn có nhiều nội dung chưa được làm rõ trong luật.

Cụ thể, tại Điều 20 điểm a khoản 1 quy định: hiệu trưởng các cơ sở công lập do Hội đồng trường quyết định nhưng sau đó lại quy định hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập do Hội đồng trường quyết định. Tại ý sau đó lại quy định "được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận", như thế là vừa mâu thuẫn, vừa bị rằng buộc bởi cơ quan chủ quản đối với các trường. Do vậy, để thật sự xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo và giao quyền cho Hội đồng trường thì cần có cơ chế để Hội đồng trường hoạt động đúng với vai trò, chức năng, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực của Hội đồng trường, tránh hình thành các nhóm lợi ích, giao quyền tự chủ phải gắn với đổi mới quản trị đại học, tăng cường kiểm định chất lượng, công khai chất lượng kiểm định và các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội

Thứ ba, về quy định thời gian đào tạo tại Điều 35. Thời gian đào tạo có sự mâu thuẫn giữa khoản 1, điểm a khoản 2. Tại khoản 1 quy định "thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số tín chỉ", có nghĩa là không theo quy định từ 3 đến 5 năm học mà người học xong số tín chỉ quy định trong khung trình độ quốc gia Việt Nam là kết thúc chương trình học. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem lại nên quy định kết thúc chương trình đào tạo hay theo tín chỉ. Theo đại biểu nên quy định kết thúc khóa học trên cơ sở số tín chỉ, số môn và số tiết.
Tại điểm b khoản 3 Điều 37 quy định có 2 loại chương trình: Định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 38 quy định "Chính phủ quy định các loại văn bằng đối với một số ngành nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù", đại biểu phân vân chưa xác định đây là loại chương trình gì, do đó cần quy định rõ, tránh chung chung.

Thứ tư, trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay có trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, một số trường do một số bộ chủ quản khác quản lý, rất bất cập. Ví dụ hệ thống trường đại học sư phạm kỹ thuật trên toàn quốc có 5 trường, nhưng có 2 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có 3 trường thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Quy định này phải xem xét lại, tránh trường hợp mỗi cơ quan chủ quản lại có chính sách riêng, vì chính sách riêng nên ảnh hưởng đến quyền lợi và phát triển hệ thống của nhà trường.

Thứ năm, về quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo, vì làm tốt vấn đề này sẽ tránh được thừa thầy, thiếu thợ và tránh được việc hàng năm có hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay. Như chúng ta đã biết, qua các thời kỳ thi đại học vừa qua có rất nhiều trường tuyển sinh với điểm đầu vào rất cao, 27 điểm, lựa chọn được rất nhiều sinh viên ưu tú, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, nhưng ngược lại có những trường điểm đầu vào thấp, thậm chí chỉ xét tuyển học bạ. Hệ lụy là hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, kể cả trình độ đại học và trình độ thạc sĩ.

Hiện nay nói cơ chế thị trường giao quyền tự chủ cho các trường đại học là đúng, nhưng không thể giao theo cách trường nào cũng mở mã ngành và mở bao nhiêu mã ngành cũng được. Thực tế cho thấy rất nhiều trường mở nhưng không có cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu. Mặt khác, có sự chênh lệch về năng lực giữa trường đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành. Mặc dù cạnh tranh mở mã ngành tuyển học sinh không sai, nhưng mở ra chất lượng đào tạo kém, không đủ sinh viên học gây lãng phí lớn về chất lượng đào tạo thấp. Theo đại biểu, trong luật cần phải cân nhắc về quy định được mở mã ngành và cần phải cân đối về nhu cầu của thị trường lao động tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất vào một chỗ, tránh dàn trải sẽ không có chất lượng cao.

 

Vân Ngọc

Các bài viết khác