BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB & XH ĐÀO NGỌC DUNG: NHIỀU VỤ VIỆC KÉO DÀI, CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ NGHIÊM MINH...

02/07/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Đào Ngọc Dung đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nạn bạo lực và xâm hại trẻ em ở nước ta hiện nay.

Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn 

Khoảng 2.000 trẻ bị bạo lực mỗi năm

Nhấn mạnh về tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em đang ngày càng gia tang ở nước ta, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua các vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp và nghiêm trọng đã xảy ra từ thành thị đến nông thôn, đã và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - tỉnh Lâm Đồng chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cho rằng, mặc dù khung hành lang pháp lý để xử lý đối với hành vi xâm hại trẻ em đã từng bước đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm xây dựng cơ bản hoàn thiện như Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Hình sự, v.v... Tuy nhiên, đại biểu cho biết, vẫn còn nhiều cử tri vẫn băn khoăn và cho rằng hành lang pháp lý như vậy vẫn chưa đủ lực để đẩy lùi vấn nạn này, chưa đủ sức dăn đe, phòng ngừa có hiệu quả, nhằm bảo vệ trẻ em một cách hoàn thiện hơn trong môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay trên thế giới, bình quân 1 năm có khoảng 150 triệu em bị bạo lực trong đó khoảng 73 triệu là bé trai. Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ bạo lực và xâm hại trẻ em lớn nhất. Ở Việt Nam hàng năm bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực. Bộ trưởng cho rằng, đây mới chỉ là con số thống kê được, còn con số thực sự có thể tăng lên.

Về khung pháp lý xử lý hành vi bạp lực, xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung khẳng định, nước ta có hoàn toàn đầy đủ, có thể kể đến trong Luật Trẻ em, Nghị định 61, Chỉ thị 18 để quy định và phân công rất rõ từng ngành, từng cấp, từng địa phương giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ- TB & XH đã tiến hành nhiều giải pháp khác nhau từ tuyên truyền vận động đến thiết lập các đường dây nóng. Đặc biệt, một số vụ việc nổi cộm đã được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước có ý kiến trực tiếp và xử lý nghiêm minh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ LĐ- TB & XH có trách nhiệm quản lý nhà nước cũng trực tiếp đôn đốc theo dõi những vấn đề này. Với một số vụ việc có tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc cho xã hội xuất hiện trong thời gian gần đây, Bộ LĐ- TB & XH và cả xã hội rất lên án hành vi này. Thời gian tới, Bộ LĐ- TB & XH sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này và cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là tăng cường phối hợp hiệp đồng, đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Mờ ám vụ án bé gái bị xâm hại tình dục ở Thủ Đức

Bay tỏ rất quan tâm đến vụ án xâm hại tình dục trẻ em ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre cho biết, vụ việc còn có rất nhiều dấu hiệu mờ ám. Nước ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề liên quan đến trẻ em chứ không chỉ riêng Bộ LĐ- TB & XH, nhưng dường như các gia đình có bé bị xâm hại họ rất đơn độc trong việc đòi lại công lý. Đại biểu mong muốn, Bộ LĐ- TB & XH có một thái độ kiên quyết hơn nữa để cùng các cơ quan khác vào cuộc để ngăn chặn vấn đề này.

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre nêu câu hỏi chất vấn

Ngay tại phiên chất vấn, đại biểu nêu rõ: “Trước Quốc hội và quốc dân đồng bào, tôi chính thức mong muốn các cơ quan tố tụng phải kiên quyết để trả lời cho câu hỏi là cháu ở Thủ Đức bị xâm hại”. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không thể để xảy ra sự việc đau đớn như vụ cháu bé bị xâm hại ở Cà Mau, khi cháu nói thì không nghe, đến khi cháu tự tử thì lúc đó mới khởi tố vụ án. Đó thực sự là một sai lầm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, không nên để những câu chuyện như thế tiếp tục xảy ra.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, để đảm bảo quyền lợi của trẻ em, về cơ bản hệ thống pháp luật của ở nước ta là đồng bộ. Từ Luật Trẻ em đến Nghị định 61, Nghị định 56, Quyết định 18.

Luật Trẻ em quy định rất rõ, Bộ Công an hướng dẫn và tổ chức các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, Bộ LĐ- TB & XH là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về trẻ em. Ủy ban nhân dân các cấp là người quản lý nhà nước về trẻ em ở lĩnh vực địa phương quản lý. Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành xét xử hành vi vi phạm quyền trẻ em, ra quyết định tư pháp đối với trẻ em. Tòa án tiến hành các biện pháp tư pháp cho trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp đối với trẻ em.

Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản luật pháp quy định rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, thời gian vừa qua có một số vụ việc còn để kéo dài, thậm chí còn xử lý chưa nghiêm minh. Nhiều vụ việc khi có ý kiến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi mới tiến hành.

Rất tán thành với đề nghị của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước vấn đề này, Bộ LĐ- TB & XH đề nghị các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan cần xem và đánh giá lại thực chất hoạt động của mình thế nào trong công tác bảo vệ trẻ em.

Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, hầu hết những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, Bộ LĐ- TB & XH đều chủ động có ý kiến. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhiều vụ  Bộ LĐ- TB & XH tôi đã trực tiếp báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến trực tiếp. Ví dụ như vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy, ngay sau khi kết thúc phiên tòa buổi sáng, buổi chiều Bộ LĐ- TB & XH đã báo cáo với Quốc hội, và xin gặp, điện thoại và trao đổi trực tiếp với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình để thể hiện rõ quan điểm không đồng tình với kết quả xét xử như vậy, và đề nghị hai cơ quan xem xét lại vụ án này để xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Sau đó, hai cơ quan tư pháp cũng chấp nhận ý kiến của Bộ và thực thi các công việc rất nghiêm minh.

Đối với vụ Minh Béo, khi về nước và xét xử vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan đến trẻ em, Bộ LĐ- TB & XH cũng đã một lần nữa có ý và cũng được chấp nhận. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, như vậy, Bộ LĐ- TB & XH không phải là không lên tiếng nhưng cách lên tiếng thì tùy vụ việc: có vụ việc lên tiếng qua báo chí, có vụ việc báo cáo cấp cao, có vụ việc trực tiếp trao đổi với địa phương.

Cần giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em

Đại biếu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn - TP Hà Nội cho rằng, tội phạm xâm hại trẻ em là là một tội phạm khá đặc biệt và đặc thù; khó phát hiện, đặc biệt là các bằng chứng mất dần qua từng giờ, từng ngày chứ không phải theo từng tháng, từng năm. Do vậy, quá trình tiếp cận, tin báo, tố cáo, xét xử, chúng ta cần phải làm rất nhanh, rất mạnh mẽ mới có thể có được các bằng chứng để kết tội.

Đại biếu cho biết, đối tượng bị hại là những cháu bé, khi xảy ra trường hợp đó tâm lý của trẻ rất hoảng loạn và có thể rất khó trong việc lấy lời khai. Bên cạnh đó, sự quan tâm của chính quyền, của cơ quan tố tụng đối với các vụ án liên quan đến trẻ em vẫn chưa đảm bảo, cũng như sự quan tâm của gia đình trong việc bảo vệ trẻ em vấn còn chưa hợp lý. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, hiện Bộ LĐ- TB & XH chưa có giải pháp nào đủ mạnh để ngăn chặn được vấn đề này.

Đại biếu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn - TP Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay 59,9% số người vi phạm xâm hại trẻ em là những người thân, người quen của cháu bé. Đây chính là một trong những đối tượng thời gian tới phải quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này, cùng với các đối tượng khác. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH Đào Ngọc Dung cũng đề ra các giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về trẻ em.

Thứ hai, tăng cường giáo dục truyền thông trong gia đình, quản lý gia đình, đặc biệt tăng cường trách nhiệm của ông bố, bà mẹ, những người anh, chị trong gia đình cùng với nhà trường và xã hội trong bảo vệ trẻ em.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật bảo vệ các em, thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng.

Thứ tư, tập trung xử lý, giải quyết những vụ việc xảy ra một cách nghiêm minh và nhanh chóng nhất.

Thứ năm, tăng cường các dịch vụ công bảo vệ trẻ em, nhất là hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111- dịch vụ phản ánh rất nhanh và kết nối toàn bộ với các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã thời gian tới cũng như Bí thư đoàn các xã để phản ứng, xử lý nhanh khi có tình huống xảy ra.

Thứ sáu, tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em

Cuối cùng, Bộ LĐ- TB & XH sẽ kiến nghị với Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tháng hành động vì trẻ em Việt Nam.

Thu Phương

Các bài viết khác