BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG: NGÀNH NGHỀ CHUYÊN BIỆT, ĐẶC THÙ THÌ CHUYỂN SANG ĐƠN ĐẶT HÀNG VÀ TÍNH THEO SẢN PHẨM ĐẦU RA

25/07/2018

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể về tự chủ đối với các trường đặc thù; tiến hành xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để các trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gây tác động lớn với các trường đặc thù

Gửi đến Bộ trưởngĐào Ngọc Dung vấn đề chất vấn, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - TP Hà Nội cảm ơn Bộ trưởng đã quan tâm giải quyết tốt cơ chế đặc thù đối với các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, bổ sung một số trường nghệ thuật và trường trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng đến nay đa số các trường thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao còn hết sức khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất,  đặc biệt nhiều địa phương đang triển khai chủ trương giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gây tác động rất lớn với các trường thuộc nhóm đặc thù này.Từ nhận đị nh trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của để tháo gỡ cho các trường văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc tự chủ là một chủ trương nhất quán, chủ trương này đã được Trung ương, Chính phủ cụ thể hóa trong các nghị quyết của Trung ương. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giải thích thêm, nói đến tự chủ của giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa là cắt hết toàn bộ kinh phí, mà tự chủ ở đây là được giao quyền tự chủ về quản lý, tổ chức bộ máy, giáo trình, giáo viên, liên kết đào tạo v.v... đảm bảo cho các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng động nhất, hiệu quả nhất theo hướng tinh gọn nhất, đáp ứng yêu cầu học sinh, sinh viên nhiều nhất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về tài chính, hiện nay Bộ đang xây dựng nghị định của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng những đơn vị mà có điều kiện, có khả năng tự chủ toàn phần thì tiến hành ngay. Theo Bộ trưởng, hiện nay đã thí điểm 3 trường tự chủ toàn phần, 21 trường thuộc khu vực lực lượng vũ trang cũng từng bước tự chủ, quá trình 2 năm triển khai cho thấy số sinh viên đầu vào tăng lên gấp nhiều lần, đời sống giáo viên, thu nhập của giáo viên tăng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Qua đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, tự chủ không phải là hạn chế, là cào bằng; ở những tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi, hay một số ngành nghề đào tạo, lĩnh vực có tính chất chuyên biệt như nghề múa, các nghề truyền thống, văn hóa như khôi phục truyền thống hát chèo, tuồng thì phải có cơ chế hoàn toàn khác so với mặt bằng chung; ngành nghề đặc thù thì phải đặt hàng theo đầu ra nên cần có cơ chế riêng biệt.

Nhấn mạnh về khối các trường văn hóa nghệ thuật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiện nay chúng ta có hơn 40 trường, những năm trước đây trường này nằm ở khối giáo dục quản lý, từ 1/1/2017 thì chuyển toàn bộ về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã có giải pháp căn cơ, đưa một số trường xếp vào trường chất lượng cao, một số trường vào tiêu chuẩn chuẩn để đầu tư nâng cấp; khi sửa nghị định thì những trường chuyên biệt, ngành nghề chuyên biệt, khu vực đặc thù phải có cơ chế riêng, chuyển sang đơn đặt hàng và tính theo sản phẩm đầu ra.

Đến bao giờ thì thực hiện được việc xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?

Đưa ra câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung - Thái Bình đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ thì thực hiện được việc xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tạo một môi trường công bằng, công khai, minh bạch, vừa tạo điều kiện, vừa là động lực để các trường trong khối giáo dục nghề nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ trực tiếp kinh doanh dịch vụ để góp phần cạnh tranh trong quá trình hội nhập?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề xếp hạng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong Luật Giáo dục đại học có quy định xếp hạng, phân hạng trường  nhưng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp thì quy định không xếp hạng và không phân hạng trong khi bản chất việc phân hạng và xếp hạng trường chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất để áp dụng phụ cấp trách nhiệm cho các cấp quản lý ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, để thực hiện đúng luật, thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường phân loại chất lượng nhà trường; chất lượng đào tạo, giáo dục để xã hội, người học thừa nhận. Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc phân hạng cụ thể như thế nào thì phải tính toán một thời gian nữa, khi tổ chức bộ máy và hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đạt chuẩn nhất định và quy hoạch lại theo hướng tinh gọn; đồng thời khi sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ sẽ báo cáo với Quốc hội để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này./.

Hồ Hương

Các bài viết khác