BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ: QUYẾT LIỆT VỚI NHỮNG GIÁO VIÊN KÉM PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC

31/07/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục những bấp cập của giáo dục mầm non về cơ sở vật chất, quy mô đào tạo, đạo đức giáo viên và chế độ đãi ngộ.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Bức xúc hiện nay của xã hội đối với mầm non lại rất lớn

Cho rằng giáo dục mầm non hiện nay đang nhiều vấn đề nóng và gây bức xúc, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Bến Tre nêu rõ, quy mô giáo dục mầm non phát triển không đồng đều ở các vùng miền; chất lượng giáo dục mầm non không ổn định; mạng lưới chính sách giáo dục mầm non chưa đồng bộ. Chưa kể đến, nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non đang thấp nhất trong ngành; cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ phân tích trên, đại biểu nhấn mạnh, chúng ta chưa có đề án gì để giải quyết cho giáo dục mầm non, nhưng những bất cập, bức xúc hiện nay của xã hội đối với mầm non lại rất lớn, đề nghị Bộ trưởng xem xét và có những giải pháp gì cho vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng 15.000 các cơ sở giáo dục mầm non với 337.000 giáo viên mầm non. Theo Bộ trưởng, về cơ bản các cơ sở giáo dục mầm non và các thầy cô rất tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt xảy ra phổ biến các nhóm trẻ dân lập, tư thục, có những trường hợp bạo hành không thể chấp nhận được với thuần phong mỹ tục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu rõ, với trách nhiệm là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt, những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất phải đưa ra khỏi ngành không chần chừ. Còn các cơ sở để xảy ra tình trạng bạo hành phải đình chỉ và thậm chí phải đóng cửa, trong thực tế các địa phương vào cuộc rất nhanh để giải quyết thực trạng này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, tới đây, để thực hiện một cách căn cơ thì Bộ đã có nhiều giải pháp trong ngành, ngoài ngành, trong đó xác định nhiệm vụ cơ bản là yếu tố giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và phải có chế độ hợp lý. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra rằng, hiện nay chế độ giáo viên mầm non quá thấp. Theo quy định thì trình độ trung cấp có lương khởi điểm là 1,86, mức lương khi ra trường chỉ có 2 triệu 400 nghìn đồng, với tiền lương này các cô giáo mầm non rất khó khăn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp đúng người, đúng việc nhưng mặt khác phải đi kèm chế độ đãi ngộ và chính sách; đồng thời khắc phục vấn đề khó khăn về trường lớp, cơ sở vật chất đối  với mầm non.

Đa số các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ từ 24 tháng

Đưa ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Tiền Giang cho rằng, xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng, phụ nữ cũng tham gia lao động ngoài xã hội để góp phần ổn định đời sống gia đình. Tuy nhiên nỗi băn khoăn lớn nhất, không riêng gì các chị em mà của toàn xã hội đó là nơi giữ con em được an toàn, nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên. Từ phân tích trên đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp hữu hiệu gì để giải quyết các vấn đề trên?

Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc các  cơ sở giáo dục mầm non chỉ muốn nhận trẻ từ 24 tháng trở lên như đại biểu phản ánh là có thật. Bởi trẻ tầm 24 tháng đã miệng ăn, chân chạy, dễ chăm sóc, ít mạo hiểm, còn nếu nhận trông từ 3 tháng thì sẽ rất khó. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, Bộ đặc biệt quan tâm đến đối tượng trẻ ở tháng tuổi này, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay 16 tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất; hơn 50 nghìn số phụ nữ được chế độ thai sản 6 tháng, nhưng có nhiều công nhân chỉ nghỉ 3 tháng. Do đó đặt ra vấn đề, sau 3 tháng các công nhân này đi làm thì ai trông con. Trên cơ sở nắm bắt được tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách đối với nhóm trẻ này;  đồng thời chỉnh sửa điều lệ về trường mầm non mới ban hành tuần trước để các nhóm trẻ, nhà trẻ độc lập, đảm bảo có đủ điều kiện phát triển. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc cho các đối tượng trẻ em đặc biệt khó khăn, nhất là từ 3 tháng tuổi theo quy định hiện hành để đảm bảo hạn chế tối đa những việc đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

Khắc phục bất cập về chế độ giữa các cô nuôi dưỡng với các cô làm công tác giảng dạy

Gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Quảng Trị đưa ra phân tích, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có khoảng 15.256 trường mầm non, cả công lập và ngoài công lập. Tỷ lệ trẻ đến trường đạt 17,7%; đối với mẫu giáo đạt 90,9%, và 5 tuổi đạt 99,7%. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non đều được thực hiện nuôi và giáo dục theo chương trình mầm non toàn quốc. Tuy nhiên, chế độ đối với các cô nuôi dưỡng ở các trường mầm non, nhất là mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được hưởng các chế độ tiền lương, bảo hiểm như đối với các cô giáo đang làm công tác giảng dạy. Từ phân tích trên đại biểu chỉ ra rằng, cùng một cơ sở giáo dục mầm non đã có sự bất bình đẳng trong thực hiện chế độ chính sách. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm sự bất bình đẳng nói trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bất cập về chế độ giữa các cô giáo mầm non được trong biên chế và hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc là có thật. Bộ trưởng cho biết, vừa qua Bộ đã ban hành Thông tư 06 quy định về định mức giáo viên trong các cơ sở mầm non, trong đó có cả giáo viên và những người làm phục vụ. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để giải quyết tốt hơn những bất cập này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ trao đổi cụ thể với Bộ Nội vụ về chế độ, chính sách đối với những đối tượng này, từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu./.

Hồ Hương

Các bài viết khác