BỘ TRƯỞNG BỘ GT-VT NGUYỄN VĂN THỂ THỪA NHẬN TRÁCH NHIỆM ĐỂ GIAO THÔNG XUỐNG CẤP

30/07/2018

Liên quan đến hạ tầng giao thông ở các tuyến đường dân sinh và hạ tầng đường sắt trong cả nước đang ngày càng xuống cấp..., tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đề biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trách nhiệm và biện pháp khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn

Xử lý tình trạng xe quá tải hoạt động phá nát đường dân sinh

Liên quan đến vấn đề về hạ tầng giao thông, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn - Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra rằng, thời gian qua, nhà nước và nhân dân bỏ nhiều công sức, kinh phí đầu tư, xây dựng, duy tu, sửa chữa cầu đường. Trong khi đó, tình trạng xe quá tải hoạt động phá nát đường dân sinh liên tục xảy ra nhiều năm, nhiều nơi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao nhưng chưa được xử lý triệt để. Trên cơ sở nhận định trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tồn tại này thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Tình trạng trên có thể xử lý dứt điểm được hay không?

Đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, nhà nước đã bỏ ra kinh phí rất lớn để đầu tư nâng cấp hạ tầng, việc quản lý vận tải, bảo dưỡng con đường này là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, vừa qua, Bộ đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý các xe quá tải trọng, quá khổ, quá tải hoạt động ở các tuyến đường. Trước năm 2012 tỷ lệ xe quá tải, quá khổ rất phổ biến, sau một quá trình Bộ Giao thông vận tải vào cuộc khẩn trương, đến thời điểm hiện nay còn khoảng 10% xe tải các loại quá khổ, quá tải, nhưng các xe này hoạt động thường trong phạm vi hẹp, ít xe đi tuyến xuyên qua các tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan, trong đó có các lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát giao thông để tăng cường kiểm tra, xử lý tận gốc, lập lại trật tự, bảo quản những con đường Nhà nước đã đầu tư cho nhân dân.

Căn cứ pháp lý nào để tăng tổng mức đầu tư một số dự án giao thông nội đô?

Đưa ra câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền-Thái Bình chỉ ra rằng, có một số công trình giao thông lớn hiện nay mà Bộ Giao thông đang triển khai như giao thông nội đô Cát Linh, Hà Nội phải điều chỉnh giãn, hoãn tiến độ rất nhiều và tăng tổng mức đầu tư rất lớn hàng ngàn tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ pháp lý nào để tăng tổng mức đầu tư và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải đối với việc này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và một số công trình tiến độ chậm dẫn đến chi phí tăng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đường sắt Cát Linh - Hà Đông và một số đường hiện nay tiến độ chậm và kinh phí phát sinh do nhiều nguyên nhân: giai đoạn 2009-2010, chúng ta khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng cao, các dự án trong thời điểm này giá cả tăng liên tục và khi chúng ta phê duyệt dự án chắc chắn sẽ bị trượt giá; ngoài ra có một vài yếu tố dẫn đến tăng đột biến và khi triển khai không đảm bảo tiến độ, kéo dài cũng phát sinh chi phí.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ cùng với các địa phương trong giai đoạn sắp tới giám sát một cách chặt chẽ những dự án lớn để giảm chi phí tăng không cần thiết.

Tại sao không đầu tư nguồn vốn cho an toàn đường sắt trong cả nước?

Chất vấn  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng - Cà Mau nêu rõ, thờ gian vừa qua, tình trạng tai nạn đường sắt liên tục xảy ra.  Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải có chỉ ra nguyên nhân chính là do hạ tầng đường sắt yếu kém; việc tham mưu, đề xuất còn chưa tốt. Tuy nhiên, cũng trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc đầu tư cho đường sắt nói chung còn rất ít mà hiện nay đang tập trung đầu tư đường sắt Cát Linh-Hà Nội và số đường sắt quan trọng khác. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nếu ưu tiên như vậy có khắc phục được tình trạng tai nạn đường sắt như thời gian vừa qua hay không? Tại sao không tập trung nguồn vốn để đầu tư cho an toàn đường sắt trong cả nước?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, cách đây 8 năm Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra đề nghị xây dựng một tuyến đường sắt mới, tuy nhiên lúc đó Quốc hội chưa đồng tình. Trên thực tế, đường sắt hiện nay đã lạc hậu, khổ chỉ là 1m, nếu chỉ nâng cấp thì không đảm bảo tính bền vững, lâu dài, mà cần phải có đường sắt đôi để đảm bảo an toàn giao thông một cách tuyệt đối. Do đó, đầu tư vào đường sắt hiện nay vẫn luôn được Bộ Giao thông vận tải quan tâm, nhưng việc đầu tư của chúng ta có mức độ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, Quốc hội đã biểu quyết sẽ bổ sung 7.000 tỷ để nâng cấp một số đoạn, một số công trình đang hư hỏng hoặc yếu ở đường sắt hiện nay. Trong đó dường sắt đô thị đang là vấn đề hết sức cần thiết ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; giải quyết được bài toán căn cơ mà chúng ta cần là loại hình vận tải mới, nhanh, đảm bảo an toàn để kết nối các khu vực trong các đô thị. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông và một số dự án khác đã được phê duyệt thì Bộ có cơ sở để triển khai trước; khi nào đường sắt quốc gia được phê duyệt thì Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tập trung toàn lực để thực hiện./.

Hồ Hương