KHÓ TIẾP CẬN VỐN - HỢP TÁC XÃ CHƯA PHÁT HUY ĐƯỢC VAI TRÒ KINH TẾ TẬP THỂ

30/07/2018

Sau gần 06 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hợp tác xã khó phát triển, mở rộng hợp tác xã là do khó tiếp cận vốn...

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã, chưa đến 20% các Hợp tác xã có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng vô cùng hạn chế , chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 Hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các Hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều. Theo ý kiến của ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nếu không tháo gỡ được nút thắt trong tiếp cận vốn thì các hợp tác xã sẽ không phát huy được vai trò nòng cốt trong kinh tế tập thể.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển hợp tác xã tuy nhiên hiện nay chỉ có 1% trên tổng số hơn 20.000 hợp tác xã có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Vậy quan điểm của đại biểu về thực trạng này như thế nào?

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 Hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng là thực trạng đáng buồn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến trong những năm qua kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã phát triển rất èo uột. Chúng ta cũng thấy rằng, trong quá trình hội nhập các doanh nghiệp kể cả hợp tác xã cạnh tranh bình đẳng. Như vậy, cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước đã là khó khăn, nhưng các hợp tác xã còn phải cạnh tranh với cả doanh nghiệp nước ngoài thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là lý do tại sao mà đến bây giờ đóng góp của kinh tế tập thể vào sự phát triển kinh tế của đất nước rất thấp, khoảng trên dưới 5%. Nguyên nhân khiến các hợp tác xã khó tiếp cận vốn là các hợp tác xã không có tài sản đảm bảo; không có kế hoạch, phương án kinh doanh bài bản,… nên khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Hợp tác xã nông nghiệp 

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong khi cả nước đang triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới nhưng các hợp tác xã đang gặp vô vàn khó khăn đặc biệt là trong việc tiếp cận được nguồn vốn vay. Vậy theo ý kiến của đại biểu, cần thực hiện những giải pháp gì để khơi thông nguồn vốn vay cho các Hợp tác xã?

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chúng ta cũng thấy rằng, khi đi vào công cuộc hội nhập các hợp tác xã của chúng ta là yếu toàn diện. Thứ nhất là yếu về năng lực quản lý, thứ hai là yếu về trình độ khoa học kỹ thuật, thứ ba là yếu về nguồn vốn. Tất cả những điểm yếu này làm cho kinh tế tập thể khó phát triển được mặc dù chủ trương của Đảng xuyên suốt trong các văn kiện tại các kỳ đại hội đều nhấn mạnh vấn đề phát triển kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã. Bởi vậy, theo quan điểm của tôi để tháo gỡ những khó khăn của Hợp tác xã trong tiếp cận nguồn vốn hiện nay, cần nâng cao năng lực các Hợp tác xã, đẩy mạnh xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực tài chính từ hệ thống các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và hệ thống các quỹ này ở các địa phương, một kênh vốn rất quan trọng cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho Hợp tác xã. 

Phóng viên: Thưa đại biểu, liệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã đầy đủ cơ sở pháp lý đảm bảo và tạo điều kiện cho Hợp tác xã hoạt động và phát triển hay chưa?

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Luật Hợp tác xã năm 2012 đã quy định sự hỗ trợ hết sức quan trọng của Nhà nước đối với Hợp tác xã. Ví dụ như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật; hỗ trợ về vốn,…Tuy nhiên, đến bây giờ chúng ta điểm lại thì việc triển khai sự hỗ trợ này quá chậm. Ví dụ, quy định về hỗ trợ tiếp cận vốn, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thì Luật Hợp tác xã mặc dù ban hành từ năm 2012 mà đến tận tháng 8 năm 2017 Chính phủ mới ban hành Quyết định số 23 thay thế Quyết định 246 năm 2006 về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Việc chậm ban hành văn bản hướng khiến khó triển khai trên thực thế, làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của quỹ. Vì vậy, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trước mắt cần khẩn trương hoàn thiện việc ban hành những văn bản hướng dẫn Luật hợp tác xã còn nợ đọng để Luật đi vào cuộc sống.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Lan Hương