ĐBQH BÙI XUÂN THỐNG - ĐỒNG NAI: AN NINH HỆ THỐNG NGÂN HÀNG CẦN SIẾT CHẶT

19/08/2018

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đã đưa ra ý kiến chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam về một số vụ mất tiền tại chi nhánh Vietinbank Phú Thọ, Đồng Nai và tại chi nhánh Oceanbank Hải Phòng. Sự việc trở thành tâm điểm được dư luận, cử tri quan tâm, đặc biệt là vấn đề công tác quản lý trong hệ thống ngân hàng, trách nhiệm của ngân hàng trước Tài sản của người dân.

Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống, ngày 23/11/2017 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn đề đã được đại biểu chất vấn. Theo ý kiến của đại biểu Bùi Xuân Thống, phải thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa ra trên thực tế, nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong đó có một số nội dung liên quan đến hoạt động quản lý của ngân hàng. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Sau khi chất vấn, tôi có nhận được văn bản trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Về cơ bản, tôi đồng ý với những nội dung trả lời của Thống đốc Ngân hàng. Phần trả lời đã nêu lên được thực trạng và đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là cách thức và việc thực hiện các giải pháp đó trên thực tế có hiệu quả hay không để tạo được sự tin tưởng của người dân khi giao dịch với các hoạt động của ngân hàng.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời phỏng vấn 

Phóng viên: Trong văn bản trả lời của Thống đốc ngân hàng Nhà nước có đề cập đến các biện pháp đấu tranh phòng chống các hành vi phạm tội của tội phạm ngân hàng. Vậy theo quan điểm của  đại biểu liệu các biện pháp đưa ra đã đủ mạnh để phòng, chống loại tội phạm này?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Với sự phát triển của công nghệ và với loại tội phạm công nghệ cao thì càng ngày càng có sự phát triển tinh vi hơn. Điều này được chứng minh là vừa qua 1 số ngân hàng bị tấn công và một số khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Cho nên, các giải pháp mà Thống đốc ngân hàng Nhà nước có đặt ra như: tăng cường việc kiểm soát nội bộ; chấn chỉnh lại hoạt động nhận tiền gửi và nâng cấp các mạng ngân hàng thì tôi cho là đây là các biện pháp hết sức là cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trên thực tế vẫn còn chuyển biến rất là chậm cho nên vẫn còn phản ánh của người dân, khách hàng bị mất tiền. Đây cũng là điều mà Thống đốc Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để tạo sự yên tâm cho khách hàng nhất là việc thực hiện các giao dịch bằng thẻ qua mạng.  

Phóng viên: Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã ko ngừng phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng vào những đợt cao điểm thì các cây ATM vẫn hết tiền trong khi phí dịch vụ thanh toán điện tử vẫn tăng. Theo đại biểu thì vẫn đề này chúng ta cần phải nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Ở địa phương của tôi có nhiều các khu công nghiệp và vào các dịp trả lương, dịp tết, người lao động phải đứng xếp hàng rất là lâu để rút tiền. Đây đúng là một trong những bất cập hiện nay. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề này cần thực hiện giải pháp căn bản lâu dài là đẩy mạnh việc giao dịch qua các cây ATM để tăng tiện lợi cho người sử dụng thẻ và để giảm bớt việc giúp tiền mặt tại ngân hàng. Mặt khác, cũng phải tính toán đến việc một số ngân hàng phát hành thẻ nhưng ko đầu tư các máy rút tiền, đầu tư hạ tầng để phục vụ mà thông qua liên ngân hàng. Cho nên, cần tính toán lại là tính toán cụ thể theo từng khu vực từng dịa phương, từng số lượng thẻ phát hành. Từ đó,  ấn định mức thẻ bao nhiêu thì phải lắp dặt 1 máy ATM. Tiếp đó, tôi nghĩ rằng cũng phải tính toán đến chi phí. Với điều kiện của người lao động mức thu nhập còn thấp thì mức phí quá cao sẽ ko khuyến khích việc sử dụng thẻ rút tiền qua ATM.

 Công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất không rút được tiền hoặc phải xếp hàng dài để chờ rút tiền dịp Tết

Phóng viên: Thưa đại biểu, có thể nói tội phạm ngân hàng ngày càng gia tăng và thủ đoạn tinh vi hơn. Vậy liệu năng lực cán bộ ngân hàng đã đủ đáp ứng nhu cầu trong xu thế mới hiện nay hay chưa?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Theo tôi, có lẽ do 1 phần chúng ta chưa chủ dộng và chưa quen ứng phó với việc tội phạm công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng. Bởi vì, đây cũng là lĩnh vực tội phạm mới đối với chúng ta cho nên trình độ, năng lực cán bộ ngân hàng cần phải nâng lên trong thời gian tới. Đồng thời, cán bộ ngân hàng phải có đạo đức trung thực trong việc thực hiện các giao dịch với khách hàng để tránh những rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước khi có những sự việc xảy ra đối với các ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần có sự chỉ đạo kịp thời để tạo sự yên tâm, niềm tin cho khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có đánh giá, xếp hạng ngân hàng uy tín để người đân tin tưởng lựa chọn đồng thời cũng là động lực buộc các ngân hàng phải thay đổi để phục vụ tốt hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh