QUỐC HỘI LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM: MỖI ĐẠI BIỂU CẦN CẬP NHẬT THÔNG TIN ĐỂ CÓ ĐÁNH GIÁ XÁC THỰC VÀ KHÁCH QUAN

22/09/2018

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 10 tới sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là hoạt động quan trọng trong công tác giám sát của cơ quan dân cử và nhận được sự đồng tình của cử tri và nhân dân cả nước.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Theo dự kiến tại kỳ họp thứ 6 sẽ có gần 50 chức danh lãnh đạo các cơ quan do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm. Ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp cũng tiến hành công việc này vào kỳ họp cuối năm 2018. Năm nay, việc lấy phiếu tín nhiệm có một số điểm mới so với hai lần trước. Đó là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được chuyển từ định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ sang lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ. Ở địa phương, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ mở rộng đến Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và tất cả các thành viên Uỷ ban nhân dân.

Đây là lần thứ ba Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do các cơ quan này bầu hoặc phê chuẩn, làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ. Đây có thể được coi như một cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ của cử tri mà đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là người đại diện. Do vậy, cử tri chờ đợi những lá phiếu của đại biểu sẽ phản ánh đúng thực trạng các bộ ngành, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cử tri cũng kỳ vọng, kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này là dịp những người được lấy phiếu tín nhiệm tự soi xét lại mình, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Đống Đa, Hà Nội mong muốn thông qua việc lấy phiếu tính nhiệm, đại biểu đánh giá công tâm, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

Ông Lưu Huy Vinh - cử tri quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Qua các kỳ lấy tín nhiệm, tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là đối với các đồng chí có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì đến lần bỏ phiếu lần thứ hai đã tự khắc phục. Tuy nhiên, là cử tri tôi thấy việc lấy phiếu còn một số bất cập và khó khăn, bởi khâu khó nhất là khâu đánh giá cán bộ. Vì đánh giá cán bộ không căn cứ vào tiêu chí mà chỉ dựa vào cảm tính thì rất khó. Và việc đánh giá cán bộ không tránh khỏi nể nang, nhất là đối với những người nắm giữ cương vị cao. Vì vậy tôi nghĩ Quốc hội cần đưa ra tiêu chí cụ thể để làm thước đo chuẩn giúp đại biểu bỏ phiếu. Đối với đại biểu Quốc hội cũng cần hết sức công tâm, khách quan, vô tư và đánh giá đầy đủ việc hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Thụ - cử tri quận Ba Đình, Hà Nội cũng kỳ vọng và tin tưởng vào việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV; tin tưởng sau khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho cán bộ tự soi lại mình để khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, việc lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục được thực hiện, bởi đây là hoạt động quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, thể hiện tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan dân cử. Thực tế cho thấy, sau khi lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì những “tư lệnh ngành” đều nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá đúng quá trình thực thi nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về vấn đề này:

Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết số 85 Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, đến nay đã qua 2 lần tổ chức, đại biểu đánh giá như thế nào về chất lượng cũng như hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm?

Đại biểu Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII: Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm tôi thấy có tác dụng rõ trong thực tế. Đối với những người được lấy phiếu mà kết quả có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì cũng đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, cũng có một số đồng chí cả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm đều có nhiều phiếu tín nhiệm cao, nhưng kết quả công việc trong thực tế không đạt như mong muốn của cử tri và đại biểu. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để lá phiếu của Quốc hội được khách quan, vô tư, lá phiếu của đại biểu là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, nhân dân và cử tri cả nước rất hoan nghênh và đồng tình với thái độ và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để khẳng định chúng ta phải giám sát có mục tiêu, giám sát có chất lượng và giám sát có hiệu lực. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là một trong những nội dung giám sát. Giám sát ở đây là giám sát đối với công chức lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tôi cho rằng, đây là việc làm rất tốt, được nhân dân và cử tri cả nước đồng tình.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhiệm vụ rất quan trọng từ quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu đảm bảo đúng. Bên cạnh đánh giá hoạt động của các “tư lệnh” ngành thì kết quả lấy phiếu là dịp để động viên sự cố gắng của những người được lấy phiếu. Và Quốc hội cũng cần thực hiện bỏ phiếu đối với trường hợp có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Mỗi đại biểu cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình để thực hiện quyền và trách nhiệm là người đại diện của cử tri.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất, hiệu quả, khách quan hơn thì quy trình lấy phiếu tín nhiệm cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi đại biểu được đề cao như thế nào?

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII:  Trước khi lấy phiếu nên để các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành trình bày quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để đại biểu có thể tranh luận, nhất là trong các buổi chất vấn. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể cung cấp thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu có thêm thông tin tham khảo trước khi lấy phiếu tín nhiệm sao cho khách quan, trung thực. Như vậy lá phiếu do đại biểu bầu sẽ chuẩn xác, khách quan hơn.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội: Tôi cho rằng, muốn giúp các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận hiện nay họ đang ở vị trí nào, mức độ nào, có cần tiếp tục cố gắng hay không hoặc là không thể đảm nhiệm được chức vụ được giao thì bản thân các đại biểu quốc hội cũng cần đánh giá khoa học, công tâm, có tầm khi nhìn nhận vấn đề. Mỗi đại biểu cần có trách nhiệm với việc bầu cử và với mỗi lá phiếu đánh giá cán bộ. Qua đó, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận ưu khuyết điểm để tiếp tục hoàn thiện mình. Có như vậy mới xây dựng được Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh, mỗi đại biểu cần thấy rõ trách nhiệm của mình khi là người đại diện của cử tri

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm thực sự khách quan, thì mỗi đại biểu như chúng tôi cũng cần cập nhật thông tin và có tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá khách quan những đóng góp, cống hiến của người đứng đầu các bộ, ngành. Đại biểu quốc hội cũng cần thường xuyên tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; đồng thời chủ động tìm hiểu việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm một cách thấu đáo và nhìn nhận từ nhiều chiều, tránh sự cảm tính trong đánh giá cán bộ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lan Hương