ĐBQH BÙI SỸ LỢI: GIẢI PHÁP LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI BỎ TRỐN

27/09/2018

Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không chỉ giải quyết sức ép việc làm trong nước mà còn tạo thêm nguồn ngoại tệ, góp phần phát triển đất nước. Nhưng hiện tình trạng lao động tự ý bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc cư trú bất hợp pháp sau khi hết thời hạn lao động không những làm mất cơ hội xuất khẩu lao động của hàng vạn lao động trong nước mà nhiều trường hợp còn gặp rủi ro...

Hiện cả nước có 107 quận, huyện của 12 tỉnh có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước với tỷ lệ trên 30%

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Đến thời điểm này, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam. Thông qua con đường xuất khẩu lao động, nhiều người có việc làm ổn định, thu nhập cao. Thế nhưng, chỉ vì cái lợi trước mắt, nhiều lao động đã không tuân thủ hợp đồng ký kết tự ý bỏ trốn làm việc ở công ty khác hoặc không về nước khi đã hết thời hạn. Thống kê của cơ quan chức năng Hàn Quốc, nhiều năm qua, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn lên tới 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Con số này có thời điểm chiếm tới 55-60%. Trong khi đó, tỷ lệ này của lao động các nước chỉ khoảng 8% - 16%.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết có thời điểm tỷ lệ lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên tới 55-60%

Tháng 5/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có thông báo chính thức gửi các địa phương về việc phía Hàn Quốc đề nghị tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS). Theo đó, hiện cả nước có 107 quận, huyện của 12 tỉnh có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước, với tỷ lệ trên 30%. Trong đó, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh tiếp tục là 3 địa phương dẫn đầu về số lao động bỏ trốn. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên phía Hàn Quốc đưa ra đề nghị này.

Trước đó, do số lượng lao động hết hạn hợp đồng không về nước chiếm trên 55% nên từ tháng 2 năm 2012, Việt Nam đã bị phía Hàn Quốc từ chối tiếp nhận lao động sang làm việc. Sau 4 năm bị gián đoạn, tháng 5/2016, sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước, Chính phủ Hàn Quốc chính thức nối lại việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau, ngày 28/3/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam có văn bản thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động sang làm việc tại Hàn quốc trong năm 2017 đối với 58 quận, huyện của 12 tỉnh có trên 30% lao động không về nước đúng thời hạn hợp đồng.

Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Để có thể ký lại bản ghi nhớ vào tháng 5/2016 tiếp tục đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thì không chỉ Việt Nam mà cả phía Hàn Quốc đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách, biện pháp, chế tài để khuyến khích, động viên, kể cả là răn đe người lao động thực hiện đúng hợp đồng. Ngoài ra, người lao động khi tham gia chương trình này cũng phải thực hiện ký Quỹ 100 triệu thì mới được sang Hàn Quốc làm việc. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm, những lao động có ký quỹ thì phần lớn tuân thủ quy định, tỷ lệ lao động hết hạn không về nước ký Quỹ đã giảm so với những lao động không ký Quỹ.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Không chỉ tại Hàn Quốc, tình trạng thực tập sinh bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác lao động mà Chính phủ hai nước đã ký kết. Chính phủ Nhật Bản cũng vừa yêu cầu Việt Nam rà soát, chấn chỉnh tình trạng thực tập sinh bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp. Dù không đưa ra tỉ lệ cụ thể nhưng phía Nhật Bản khẳng định hiện tỉ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của thực tập sinh Việt Nam dẫn đầu danh sách những nước phái cử người sang Nhật Bản. Trước tình trạng này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấn chỉnh lại tất cả các doanh nghiệp phái cử để bảo đảm thực tập sinh có thể sang làm việc tại Nhật Bản trong điều kiện tốt nhất. Bộ Lao động - Thương binh và Xãcũng ngừng hợp tác, không cho các doanh nghiệp, nghiệp đoàn có tỉ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao tham gia chương trình này.

Cần làm gì để giảm tình trạng lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp khi đi xuất khẩu lao động? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất khẩu lao động đã đem lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam hiện nay?

Ông Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Những năm vừa qua, Việt Nam đã đưa lượng khá lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện phân công lao động quốc tế. Hiện nay có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động được giải quyết hàng năm. Trong vòng 10 năm, từ 2007 đến 2017, chúng ta đưa khoảng 1 triệu người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Như vậy, 10 năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho lao động của nước ta. Điều quan trọng của xuất khẩu lao động không chỉ giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo mà còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước. Điều đáng mừng, mỗi năm, dự báo Việt Nam có khoảng 2 đến 2,5 tỷ USD do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về nước. Đây chính là nguồn tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, muốn giảm tình trạng lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài bên cạnh công tác tuyên truyền thì cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi xuất khẩu lao động

Phóng viên: Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, có thời điểm 55% lao động Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài bỏ trốn, chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc. Đến năm 2017 tỷ lệ này giảm còn 33%. Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

Ông Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tỷ lệ lao động của Việt Nam bỏ trốn và ở lại bất hợp pháp tương đối lớn, chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc. Nguyên nhân do khách quan và nguyên nhân chủ quan. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng báo cáo trước Quốc hội về thực trạng này, nhưng chúng ta cũng cần phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Theo tôi, nguyên nhân khách quan là thị trường lao động Hàn Quốc thiếu lao động, nên một số chủ sử dụng lao động cũng chào mời lao động ở doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Nếu lao động trốn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp tiếp nhận lao động bỏ trốn đó sẽ tiết kiệm được chi phí đưa lao động từ nước ngoài về công ty làm việc. Hơn nữa, thu nhập tại Hàn Quốc khá cao nên khi người lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà cư trú bất hợp pháp để tìm kiếm việc làm. Nguyên nhân này đã khiến có thời điểm tại thị trường Hàn Quốc có tới 50-60% lao động sau khi hết hạn hợp đồng ở lại làm việc bất hợp pháp. Điều này tạo hình ảnh xấu về người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Đến nay, các bộ, ngành địa phương của Việt Nam đã có nhiều giải pháp tích cực, kể cả trong nước, ngoài nước, kết hợp sự tham gia của chính quyền địa phương và gia đình có người đi làm việc tại nước ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ người lao động Việt Nam làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài giảm đến mức phù hợp nên phía Hàn Quốc đã đồng ý cho Việt Nam đưa lao động sang nước này làm việc. Đây là kết quả bước đầu, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cố gắng làm sao hạn chế việc lao động Việt Nam trốn và ở lại làm việc bất hợp pháp.

Phóng viên: Không riêng gì thị trường Hàn Quốc, thực trạng lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bỏ trốn khi hết thời gian hoặc làm ở nơi khác diễn ra phổ biến. Theo đại biểu cần có cơ chế, chính sách nào giải quyết vấn đề này?

Ông Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Theo tôi, đầu tiên chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi xuất khẩu lao động. Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo lựa chọn các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động thực hiện nghiêm quy định của nhà nước về vấn đề tuyển chọn, đào tạo lao động. Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về xuất khẩu lao động. Thời gian qua, tại sao thực trạng lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài liên tục được cảnh báo nhưng vẫn có tình trạng “chân gỗ”, “cò mồi” trong xuất khẩu lao động. Người lao động bị lừa, nộp tiền nhưng không đi được, không xóa được nghèo, lại nghèo thêm? Mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, kỹ thuật để khi người lao động kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài, thì người lao động có điều kiện về mặt tài chính, có điều kiện về tay nghề, kỹ thuật để đầu tư, phát triển sản xuất ở trong nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội