NGĂN CHẶN NGUY CƠ CẢNG BIỂN VIỆT NAM THÀNH BÃI RÁC CÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI

13/10/2018

Vấn nạn nhập phế liệu, rác thải công nghiệp về Việt Nam đang nâng lên mức báo động đỏ từ nhiều năm nay. Các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo về mức độ nguy hiểm cho vấn đề này. Tuy nhiên, những biện pháp quản lý, ngăn ngừa vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, đến tháng 9/2018, tồn tại 8.900 container rác thải, phế liệu tại các cảng biển.

Gần 9.000 container rác thải, phế liệu tại các cảng biển

Gần 9.000 container rác thải, phế liệu tại các cảng biển

Từ giấy, nhựa, bao nilon  cho đến máy lạnh, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt điện, linh kiện điện tử… tất cả đều là đồ bỏ đi, không còn sử dụng, mà dân gian gọi nôm na là rác (còn theo giấy tờ pháp lý nhập khẩu là “phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”) ồ ạt chuyển từ nhiều nước trên thế giới về Việt Nam. Hiện hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do các hãng tàu nước ngoài vận chuyển về Việt Nam vẫn đang tồn đọng tại các cảng biển.

Năm 2017, tổng lượng phế liệu nhập khẩu về Việt Nam ước tính hơn 6,5 triệu tấn, tăng hơn 1,8 triệu tấn so với năm trước. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập hơn 3,8 triệu tấn phế liệu, bằng gần 60% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy, nếu như năm 2016, mỗi ngày có hơn 12.800 tấn phế liệu được nhập về Việt Nam, thì năm 2017 con số này là 17.800 tấn, 6 tháng đầu năm 2018, mỗi ngày có hơn 20.800 tấn phế liệu dồn về Việt Nam.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến giữa tháng 9 năm 2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực: Hải Phòng, Tp.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu là gần 8.900 container. Riêng khu vực cảng biển Hải Phòng có tới gần 5.800 container phế liệu.

Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan là những nước cung ứng chủ yếu phế liệu cho Việt Nam trong 3 năm trở lại đây. Đáng chú ý không ít container rác thải phế liệu được nhập về Việt Nam từ nhiều năm trước nhưng vẫn đang được ứ đọng tại các cảng biển. Thực trạng này đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội, bài toán đau đầu cho các cơ quan chức năng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, lưu thông hàng hóa, gây ách tắc tại cảng biển.

Sự tồn đọng của hàng nghìn container phế thải tại các cảng biển cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý bởi sự việc này đã kéo dài nhiều năm và đã được các cơ quan truyền thông lên tiếng cảnh báo nhưng chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó là việc thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong việc nhập khẩu các phế liệu không đúng quy định. Khi bị kiểm tra không được thông quan, nhiều chủ hàng sẵn sàng bỏ hàng tại cảng để trốn tránh trách nhiệm. Một số trường hợp lại dùng giấy xác nhận của doanh nghiệp khác, giả mạo hồ sơ, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng thực tế, khi phát hiện lô hàng có vấn đề hay bị hải quan xử lý thì sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định hàng vô chủ. Cũng có những doanh nghiệp nhập khẩu nhưng chưa xin được giấy xác nhận dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu.

Bên cạnh đó là do sự chồng chéo trong công tác nhập khẩu, số container phế liệu ở các hợp đồng cũ chưa giải quyết hết thì các hợp đồng nhập khẩu phế liệu mới lại phát sinh về cảng. Thậm chí có những trường hợp cá biệt, chủ hàng Việt Nam còn bị người nước ngoài dụ dỗ, cho tiền để vận chuyển, giải thoát rác thải cho họ. Một lý do nữa khiến phế liệu tràn vào Việt Nam đó là từ ngày 01/01/2018, Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã coi Việt Nam là thị trường xuất khẩu phế liệu tiềm năng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu 

Nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 27. Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan liên quan không cấp mới, không gia hạn giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; không cấp phép nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; Chỉ xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu; Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu trước khi phế liệu được nhập vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Phân loại rác thải trong nước nhằm cung cấp cho doanh nghiệp có nhu cầu để tránh nhập khẩu phế liệu

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho rằng: Nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành thép, giấy, nhựa, xi măng tăng cao trong thời gian gần đây như giấy vụn, nhựa, linh kiện điện tử… để làm nguyên liệu là có thật. Điều này có lợi về kinh tế cho nhà sản xuất nhưng không có lợi về môi trường. Để khắc phục điều này thì ngay nguồn rác ở trong nước, nếu làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn, làm tốt khâu bóc tách thì không chỉ giải quyết nguồn rác mà chúng ta còn có thể lọc ra những nguyên liệu có ích để tái sản xuất như nhựa, kim loại và đây sẽ là đầu vào cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu về phê liệu. Nếu tận dụng được nguồn rác thải của chính nước mình sẽ không phải nhập khẩu phế liệu, tránh ô nhiễm từ nước ngoài đưa về Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm được môi trường trong nước mà qua đó còn biến rác thành tài nguyên. Đây là vấn đề Việt Nam nên phải làm và phải làm sớm.

Tại điểm b Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014 quy định: “Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam

Tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Thông tư 203/2015 của Bộ Tài Chính quy định: “Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”. Tuy nhiên, hiện đã có quy định trách nhiệm chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải thực hiện vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt khi không thực hiện trách nhiệm nêu trên. Điều này đang là một kẽ hở lớn cho những đối tượng cố ý vi phạm.

Điều 239 Bộ Luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt từ 1 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Tăng cường kiểm soát phế liệu ngay từ khi chưa vào cảng biển Việt Nam

Tính đến tháng 9/2018, gần 9.000 contener rác thải phế liệu tồn đọng tại các cảng của Việt Nam đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội. Trong bối cảnh nhiều quốc gia cấm nhập khẩu hàng chục loại phế liệu, thì Việt Nam cần phải tăng cường kiểm soát vấn đề này ngay từ khi chưa vào cảng biển Việt Nam.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại các cảng biển của Việt Nam đang tồn hàng nghìn container phế liệu của các nước trên thế giới dồn về. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Vấn đề rác thải là vấn đề đau đầu của nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Đối với Việt Nam, quản lý việc nhập khẩu phế liệu rác thải chưa chặt chẽ, kiểm soát chưa chặt nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng và đưa rác thải về. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện số phế liệu không đảm bảo an toàn, nhiều chủ hàng đã “bỏ của chạy lấy người” do việc xử lý số hàng này rất tốn kém, gấp nhiều lần so với lợi nhuận đưa lại. Điều này càng khiến số lượng rác tồn đọng tại các cảng biển với số lượng ngày một lớn, để lại rất nhiều hệ lụy, nguy cơ biến cảng biển Việt Nam trở thành môi trường chứa rác thải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mất diện tích cảng biển, cửa khẩu do phần lớn chứa rác thải. Ngoài ra nó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Việc tồn đọng hàng ngàn container phế liệu tại các cảng là vấn đề quan tâm của toàn xã hội

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Việc tồn đọng hàng ngàn container phế liệu tại các cảng ở Việt Nam đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội và là vấn đề hết sức bức xúc, không những cản trở, ảnh hưởng đến giao thông vận tải của cảng mà việc ứ đọng các chất ô nhiễm có thể là nguy cơ biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng có nhiều kẽ hở của nước ta dẫn đến phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Bên cạnh đó, người thực thi pháp luật cũng chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình. Có những doanh nghiệp với danh nghĩa là nhập khẩu phế liệu về để sản xuất nhưng thực ra họ lại buôn bán phế liệu hoặc đưa vào các cơ sở sản xuất gia công nhỏ lẻ, không đủ khả năng phân loại tái chế, xử lý...Điều này tiềm ẩn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Sự lo ngại của nhiều đại biểu, chuyên gia và người dân về việc cảng biển Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới là có căn cứ, và tôi nghĩ nó đến nơi mất nếu chúng ta không có những biện pháp tổng thể, kịp thời. Bởi vì theo tôi được biết, ở cảng Thành phố Hồ Chí Minh, cảng Hải Phòng rất nhiều container phế liệu vô thừa nhận. Điều này cũng rất vô lý bởi vì khi cấp phép thì phải có chủ. Qua đây có thể thấy các cơ quan chức năng chưa làm tròn vai và không làm đúng với chỉ đạo của Chính Phủ, vì Chính phủ đã chỉ đạo Việt Nam không đổi kinh tế lấy môi trường.

Phóng viên: Để tránh các cảng biển của Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới, chúng ta cần có phải có những giải pháp, hành động cụ thể nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đúng quy định của pháp luật

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Hải quan phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các hàng hóa, trong đó cảnh giác với doanh nghiệp lợi dụng để nhập rác thải phế liệu vào. Bên cạnh đó phải kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong quản lý để cho các doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của pháp luật, lợi dụng sơ hở trong công tác đã cho nhập khẩu rác thải phế liệu không đúng quy định vào cảng biển. Ngoài ra, các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại rác thải tồn đọng trong nhiều năm trình Chính phủ để sớm có những giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng mà không xác định được chủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát vấn đề này ngay từ khi chưa vào cảng biển Việt Nam thì việc ban hành các quy định của pháp luật để phân loại cụ thể phế liệu nào có thể được phép nhập, phế liệu nào không được phép nhập là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần có quy định chặt chẽ hơn cụ thể hơn, nhất là đối với rác thải sinh hoạt, rác thải có nguy cơ ô nhiễm cao, khó phân hủy như rác thải linh kiện, điện tử, hóa chất.  

Đại biểu Bùi Thị An: Dùng các thiết bị hiện đại kiểm tra các container chứa gì bên trong trước khi vào cảng 

Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Thời gian qua, những chỉ đạo của Chính phủ là rất kịp thời. Đối với những container vô thừa nhận, phải có biện pháp truy cho đến cùng ai là người cấp phép thì phải chịu trách nhiệm đối với những container phế liệu vô chủ để xử lý. Để tránh tình trạng tương tự, hiện nay rất nhiều các thiết bị công nghệ hiện đại, lực lượng chức năng có thể kiểm tra các conatiner chứa gì bên trong, có đảm bảo an toàn theo đúng quy định của Việt Nam hay không ngay từ khi bốc lên cảng, nếu không đúng thì cho trả lại, không cho bốc vào cảng biển Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ ngày từ đầu. Vì phế liệu là vấn đề rất nguy hại, nó sẽ phá vỡ an sinh của Việt Nam, mang mầm mống bệnh tật, làm cho nghèo đói thêm, chất lượng cuộc sống giảm. Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ ngành đã kiến nghị, tôi đề nghị các bộ, ngành chức năng làm đến cùng, quyết liệt công khai danh tính tất cả các công ty xin nhập và người cấp phép. Nếu vi phạm thì phải xử lý tội hình sự mang ô nhiễm môi trường, mang chất độc vào Việt Nam. Bên cạnh đó minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân cảnh giác, người dân giám sát và người dân cùng vào cuộc. /.

Lê Phương