ĐBQH ĐỖ VĂN SINH: KHÔNG CẦN THIẾT PHẢI CÓ QUY HOẠCH XÂY DỰNG TỈNH

05/11/2018

Từ đầu kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đến nay, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Theo các đại biểu, đây là luật khó và phức tạp, dùng một luật sửa đổi, bổ sung 37 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để đảm bảo ngày 01/01/2019 sẽ triển khai Luật Quy hoạch một cách toàn diện, đầy đủ. Việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch. Tại các buổi thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị sửa tên gọi của luật là Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Có ý kiến băn khăn về Quy hoạch đô thị là thành phố trực thuộc trung ương; Quy hoạch xây dựng tỉnh; Giấy phép quy hoạch... Bên hành lang Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Cơ quan thẩm tra dự án Luật này, về một số vấn đề dư luận đang quan tâm.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật là có cần thiết phải giữ lại quy hoạch xây dựng tỉnh hay không? Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Thực sự lần này Quốc hội thông qua Dự án Luật Quy hoạch quả là vấn đề rất khó vì một Luật sửa tới 37 Luật. Có những Luật mang tính rất chuyên ngành, chuyên sâu, chính vì vậy cách tiếp cận cũng là vấn đề rất khó khăn cho các đại biểu Quốc hội. Qua theo dõi tìm hiểu thảo luận, phần lớn các đại biểu cho rằng không cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh bởi vì quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch tích hợp, nó bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, các khu chức năng, các khu du lịch..v.v...Do vậy không cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh để đảm bảo khi chúng ta làm quy hoạch được đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lắp xảy ra như trước đây. Một số đại biểu băn khoăn là không có quy hoạch xây dựng tỉnh thì tích hợp như thế nào, kỹ thuật tích hợp ra làm sao...? Tuy nhiên, tôi cho rằng đến thời điểm này, chúng ta có hệ thống công nghệ thông tin rất hiện đại cho nên tích hợp toàn bộ hệ thống này là không khó khăn lắm. Đặc biệt, vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ cũng có hiệu lực từ 01/01/2019. Vậy chúng ta có đủ điều kiện, công cụ cần thiết để triển khai một cách đồng bộ về xây dựng kế hoạch tỉnh.

Phóng viên: Một nội dung khác có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất gắn với nội dung của Luật Đất đai. Theo đại biểu, liệu có cần lập thêm phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Thực ra trước đây cũng có một quy hoạch sử dụng cho cấp tỉnh, nhưng như đã nói ở trên tất cả quy hoạch ở cấp tỉnh hiện nay được tích hợp chung và chúng ta triển khai làm một lần để tránh chồng chéo. Vậy tất cả công trình kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tất cả nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh phải nằm trên địa bàn đất cấp tỉnh. Vậy rõ ràng khi chúng ta làm đồng bộ tất cả thì việc khoanh vùng, phân khu xác định từng vị trí đất để làm gì thì  rất rõ ràng. Chính quy hoạch xây dựng sử dụng đất trước đây và bây giờ tích hợp vào trong quy hoạch xây dựng tỉnh. Vậy thì không cần thiết chúng ta làm thêm quy hoạch riêng rẽ ra nữa.

Phóng viên: Liên quan đến vấn đề xây dựng, thời gian qua cũng có không ít cử tri phàn ánh về những giấy phép con, giấy phép liên quan đến xây dựng. Vậy liên quan đến giấy phép quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch, theo đại biểu cần có những quy định như thế nào trong Luật này?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Bây giờ Chính phù đang rất quyết liệt bác bỏ những điều kiện kinh doanh, các giấy phép con cho thật gọn để không làm ảnh hưởng tới nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Vậy lần này, trong Luật Quy hoạch đã quy định rất rõ tại điều 42, tức là khi quy hoạch đã dược duyệt thì phải công bố cho người dân, công khai cho người dân, thậm chí cung cấp chứng chỉ cho người dân khi người dân có yêu cầu. Bởi toàn bộ kinh phí làm quy hoạch Nhà nước bỏ ra. Do đó Chính phủ phải phục vụ nhân dân. Nhân dân đóng thuế cho Nhà nước và lấy tiền thuế để làm. Vậy thì nhân dân có yêu cầu thì cơ quan đơn vị có trách nhiệm phải cung cấp cho người dân. Không có lý do nào cấm người dân và bắt người dân nộp thêm tiền. Vậy khi người dân được công khai rồi thì chính người dân sẽ giám sát lại quy hoạch đã được phê duyệt xem làm có đúng hay không./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Phương