CẦN ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN SÂU RỘNG NỘI DUNG HIỆP ĐỊNH CPTPP

06/11/2018

Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi 6 quốc gia thành viên gồm Nhật Bản, Singapore, Mexico, Canada, Australia, Newzeland chính thức phê chuẩn hiệp định. Để tận dụng được cơ hội đòi hỏi Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn. Một số đại biểu cho rằng, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khẳng định vai trò vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động an toàn thông tin. Đa số các đại biểu yêu cầu Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Cổng thông tin điện tử đã ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề này. 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. Chương trình này cần bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật không thể chỉ để tuân thủ các cam kết trong hiệp định mà cần phải ứng phó được các thách thức và đón đầu được những cơ hội mở ra. Chương trình thực thi hành động Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng bị tác động đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp nông thôn. Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Để tận dụng cơ hội mà Hiệp định CPTPP có thể đem lại, đề nghị các cơ quan hữu quan sớm đề xuất kế hoạch và lộ trình cụ thể để sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhằm đảm bảo tính tương thích, đồng bộ và khả thi. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP tới các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Nước ta tham gia vào Hiệp đinh CPTPP sẽ có tác động lớn tới kinh tế, theo đó những cơ hội trong khối doanh nghiệp sẽ rất lớn. Vấn đề đặt ra cần tạo điều kiện thuận lợi trong môi trường đầu tư kinh doanh để tạo ra môi trường thông thoáng thuận tiện cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đề ra với nước ta trong bối cảnh tham gia "sân chơi lớn", nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều thách thức khi tham gia "sân chơi" này. Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội cần phải sửa đổi 8 dự án luật liên quan như luật lao động, luật tham nhũng, luật tố cáo, kinh doanh, bảo hiểm.

Về thách thức trong lĩnh vực lao động, cần chú trọng đến việc sửa đổi luật pháp, và quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam phù hợp với nguyên tắc tuân thủ pháp luật của nước sở tại đã nêu trong công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định xã hội.

Mai Trang