ĐBQH PHÙNG ĐỨC TIẾN - HÀ NAM: HƯỚNG TỚI CẤM SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI

08/11/2018

Chiều ngày 07/11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi, Quốc hội đã có phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Với sự phát triển khá nhanh, Việt Nam hiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, văn bản pháp luật cao nhất liên quan tới việc này là Pháp lệnh Giống vật nuôi, đã được ban hành 14 năm và nhiều điểm không còn phù hợp với thực. Vì vậy, sự ra đời của Luật Chăn nuôi sẽ tạo ra hành lang pháp lý, khắc phục được khó khăn để thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Ý kiến chung của các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Luật Chăn nuôi ra đời cần định hướng được sự phát triển của ngành chăn nuôi. Muốn vậy, cần có chiến lược phát triển bền vững ngành chăn nuôi, nêu rõ được định hướng, quan điểm, mục tiêu phấn đấu để làm cơ sở cho cơ quan chức năng xây dựng và thực hiện trong thực tế. Để phát triển hiệu quả và bền vững ngành chăn nuôi, cần nâng cao quản lý chất lượng sản phẩm chăn nuôi, từ đầu vào tới đầu ra, quản lý môi trường, phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo hợp lý lợi ích cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khắc phục được những khó khăn về đầu ra sản phẩm cũng như phát triển thị trường chăn nuôi trước sự cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. 
 
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để tìm hiểu rõ hơn về dự án Luật này.
 
Phóng viên: Thưa Đại biểu, Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào Hiệp định CPTPP. Vậy trong dự thảo Luật Chăn nuôi cần tập trung vào những nội dung nào nhằm mở cửa cho thị trường chăn nuôi để vừa góp phần dự báo phát triển thị trường và tận dụng được thời cơ khi tham gia Hiệp định?
 
 
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 
 
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Phải khẳng định rằng ngành chăn nuôi nước ta trong những năm qua có tốc độ phát triển rất cao, từ 4,5% đến 6%; và tạo ra khối lượng sản phẩm rất lớn với 5,4 triệu tấn thịt, 900 nghìn tấn sữa và gần 10 tỉ tấn trứng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm trong nước.
 
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như của hiệp định CPTPP, Luật Chăn nuôi được thiết kế theo hướng một chuỗi giá trị - từ giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, địa điểm chăn nuôi cho tới môi trường chăn nuôi, giết mổ chế biến và xúc tiến thương mại thị trường sản phẩm chăn nuôi. Sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ  ban hành một số tiêu chuẩn để sản phẩm chăn nuôi đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm cho cả thị trường trong nước và hướng xuất khẩu. Như chúng ta đã biết những năm gần đây, có một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư rất lớn vào chuỗi giá trị, từ chuồng nuôi tới bàn ăn. Nước ta cũng đã có sản phẩm thịt, trứng và sữa từng bước xuất khẩu sang các nước và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính.
 
Phóng viên: Yêu cầu cho sản phẩm nông nghiệp của chúng ta sau khi tham gia CPTPP sẽ cao hơn rất nhiều. Đặt trong bối cảnh hiện nay, hoạt động chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ và việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn rất lớn, vậy trong dự thảo Luật Chăn nuôi dự kiến được thông qua tại kỳ họp lần này sẽ quy định về vấn đề trên như thế nào?
 
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Ngành chăn nuôi trong những năm gần đây dù có tốc độ phát triển cao, quy mô lớn nhưng về cơ bản vẫn là tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, chiếm khoảng 45-50%. Nhỏ lẻ gắn với không an toàn dịch bệnh, không an toàn thực phẩm.
 
Để giải quyết vấn đề này, tạo môi trường đầu tư tốt, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp và xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, cả trong nước và nước ngoài, vào phát triển chăn nuôi cũng như nông nghiệp nói chung là rất rõ. Một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài cũng đã đầu tư vào những sản phẩm hay những lò giết mổ trình độ quốc tế tại nước ta. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong những năm gần đây tăng gấp 3 lần. 
 
Về vấn đề an toàn thực phẩm, chúng ta đã có chiến lược chăn nuôi, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, nghiên cứu khoa học công nghệ trong chăn nuôi và sẵn sàng mở cửa để những tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi.
 
Đối với vấn đề kháng sinh, hiện chúng ta đang sử dụng kháng sinh theo ba hướng là: để phòng bệnh, trị bệnh và dùng kháng sinh để kích thích sinh trưởng. Trong Luật Chăn nuôi chỉ cho phép dùng kháng sinh để phòng bệnh và điều trị khi có bệnh và cấm sử dụng để kích thích tăng trưởng. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh sẽ từng bước được hạn chế và tiến tới không cho phép sử dụng kháng sinh, mà thay vào đó là  sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ để phòng và trị bệnh đạt kết quả cao hơn. Kháng sinh trong xu thế chung của thế giới và khu vực cũng không được phép sử dụng. Ngoài ra, kháng kháng sinh từ sản phẩm chăn nuôi đối với con người cũng hết sức phức tạp. Do đó, trước mắt chúng ta sẽ cấm việc sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng và hướng tới không sử dụng kháng sinh./.

Nguyễn Ngân