DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI) HƯỚNG TỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

09/11/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều 08/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật giáo dục trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết bởi cùng với khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đa số đại biểu cơ bản tán thành với bố cục Dự án Luật, bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Luật giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 này có nhiều điểm mới so với kỳ họp trước, trong đó có thêm 1 Chương và sửa đổi 75 Điều, đặc biệt việc nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm nâng lên cao đẳng sư phạm. Đây là một vấn đề mới và tác động sâu rộng tới xã hội đòi hỏi giai đoạn tới giáo viên mầm non phải thay đổi rất lớn.

Công tác giáo dục hòa nhập cho nhóm trẻ yếu thế, trẻ thiệt thòi cũng là nội dung quan trọng. Bởi hiện Việt Nam đã ký công ước quốc tế về quyền trẻ em. Trong đối tượng trẻ yếu thế trẻ khuyết tật, trẻ thiệt thòi chúng ta có sự phân loại. Những đối tượng nào học hòa nhập được và điều kiện học hòa nhập của trẻ thế nào trong đó có cả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng cần có sự quan tâm. Khi đối tượng chưa đủ điều kiện để hòa nhập được thì chúng ta cũng phải có những giải pháp để giúp cho trẻ ở những trường chuyên biệt thực hiện một cách có hiệu quả nhất.

Tôi mong muốn Luật giáo dục (sửa đổi) lần này cũng sẽ quan tâm hơn nữa việc phổ cập giáo dục và các biện pháp nâng cao giáo dục đại trà ở tất cả các cơ sở phổ cập giáo dục bắt buộc.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nội dung nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo hướng đến quốc tế chưa được cụ thể hoá rõ trong Luật. Do vậy, Việt Nam phải nghiên cứu làm sao nâng tầm đào tạo, liên kết liên thông để làm sao Việt Nam phải được công nhận liên thông này, liên thông ở tầm quốc tế.

Đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Về cơ bản dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã tiếp thu được tổng hợp nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, trong dự thảo vẫn còn nhiều điểm bất cập cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. Cụ thẻ cần thống nhất mô hình đào tạo y khoa nói chung trên toàn quốc, học theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và điều này cũng cần phải đưa vào luật. Ngoài ra Chính phủ cũng cần rất cụ thể về bằng cấp thời gian học thậm chí cả tiêu chuẩn tuyển sinh để phù hợp với thực tiễn.

 

Lê Phương