CẦN QUY ĐỊNH THÊM TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG KIẾN TRÚC QUỐC GIA

09/11/2018

Ngày 08/11, thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiến trúc, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết về việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong quản lý hành nghề của kiến trúc sư trong nước cũng như kiến trúc sư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng nghề kiến trúc là một nghề tự do, hoạt động độc lập nên việc quản lý ngành nghề tuân thủ đạo đực nghề nghiệp và các quy định của pháp luật thì cần quy định bắt buộc kiến trúc sư phải có chứng chỉ hành nghề, bảo đảm nghĩa vụ với Nhà nước. Trao đổi bên lề Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội:

Đại biểu Hoàng Trung Hải, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Hoàng Trung Hải, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại Điều 20 trong dự thảo Luật Kiến trúc có quy định Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, theo tôi khi quy định ở Luật chỉ nên quy định đến cấp Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Khi đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan có chức năng thẩm quyền thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho kiến trúc sư, nhằm hạn chế chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Đối với kiến trúc sư nước ngoài vào hoạt động và làm việc tại Việt Nam cần có chứng chỉ hành nghề tại nước sở tại, khi vào làm việc tại Việt Nam cần tuân thủ pháp luật Việt Nam và phải có giấy phép đăng ký hoạt động nghề. Các cơ quan địa phương và Ủy ban nhân dân phải nắm được các giấy phép đăng ký này của kiến trúc sư nước ngoài thông qua các cơ quan sở ban ngành.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự thảo Luật cần quy định thêm trách nhiệm của Hội đồng kiến trúc Quốc gia bên cạnh quyền của Hội đồng này trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách về kiến trúc và các công trình cụ thể.

Ngoài ra, Hội đồng kiến trúc Quốc gia không nên quy định chỉ thành lập theo sự vụ khi Thủ tướng thấy cần thiết thì thành lập mà cần thành lập theo quy chế nhất định để quyền gắn liền với trách nhiệm của Hội đồng. Bên cạnh đó cần cân nhắc quy định các quy định về cấp và gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Đại biểu Phạm Tri Thức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Phạm Tri Thức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Cần cân nhắc lại điều kiện hành nghề của kiến trúc sư cũng như việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề. Cụ thể tại khoản quy định về phạm vi hiệu lực tôi đề nghị xác định rõ tổ chức cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được hành nghề trong cả nước hay phạm vi địa phương nơi cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật về xây dựng, chứng chỉ hành nghề về xây dựng bao gồm chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn tối đa là 5 năm thì dự thảo Luật quy định chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn tối đa là 10 năm. Tôi đề nghị cần làm rõ thêm về thời hạn đối với một chứng chỉ cụ thể, dựa trên căn cứ thời hạn 5 năm, 7 năm hay 10 năm?

 

Mai Trang