ĐBQH: CẦN KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ QUY TRÌNH SẢN XUẤT RƯỢU, BIA

10/11/2018

Ngày 09/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các Đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, đặc biệt tại thời điểm hiện nay khi thực trạng sử dụng rượu bia ở mức cao, gia tăng nhanh và đáng báo động. Do đó, việc xây dựng Luật này sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân, giảm các tác động không mong muốn của việc lạm dụng rượu bia trong cuộc sống như ảnh hưởng tới an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội. 

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng sử dụng rượu, bia không hoàn toàn có hại. Thậm chí, việc sử dụng rượu, bia đúng liều lượng còn mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Hơn nữa, ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn đã đóng góp hơn 50 nghìn tỷ động vào ngân sách nhà nước, chiếm 1,7% GDP. Vì vậy, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia phải hài hòa được những tác động tích cực và những mặt xấu của ngành này. 

Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về những khía cạnh khác nhau xung quanh dự án Luật.
 
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Dưới góc độ của một chuyên gia pháp lý tôi quan tâm tới 2 khía cạnh chính của dự thảo Luật, đó là phạm vi điều chỉnh và tính khả thi của dự án luật. Về phạm vi điều chỉnh tôi nhận thấy, dưới góc độ khoa học luật điều chỉnh được đầy đủ các yếu tố từ phòng cho tới chống, từ kiểm soát quá trình sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo trên thị trường cũng như biện pháp phòng ngừa lạm dụng, kiểm soát rượu bia trên thị trường. Đây là một phạm vi khá toàn diện. Tuy nhiên, hệ thống luật của chúng ta hiện có rất nhiều luật điều chỉnh liên quan nên nếu phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quá rộng sẽ dẫn đến trùng lặp, chồng chéo với các luật đã ban hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật An toàn thực phẩm hay Luật Quảng cáo. Vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát kỹ để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về tính khả thi của dự án luật tôi nhận thấy dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có nội dung phòng rất rộng. Do đó, tính khả thi cho tới thời điểm này cần phải có đánh giá kỹ càng hơn. Đây là dự thảo trình lần đâu nên có tính chất chính sách và tuyên ngôn, do vậy tính quy phạm chưa rõ. Tôi hi vọng khi dự án Luật được trình lần thứ hai, với các chính sách rõ ràng, chúng ta có thể đi vào các điều khoản cụ thể để đưa luật triển khai vào cuộc sống 1 cách hiệu quả nhất.

Đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu: Tôi rất băn khoăn vì hiện nay đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số có sản xuất rượu thủ công truyền thống khá phổ biến. Ở những nơi có kinh tế phát triển cũng lạm dụng rượu chế biến từ cồn, thiếu sự quản lý của nhà nước. Vừa qua có nhiều sự việc ngộ độc từ rượu. Vì vậy, chúng ta ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng cần có những cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt đối với tổ chức cá nhân sản xuất bia rượu và tiêu dùng không đúng quy định.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Các nhà sản xuất nước giải khát có cồn còn phổ biến ở nhiều địa phương khác nhau và chất lượng sản phẩm cũng còn nhiều vấn đề khiến cử tri băn khoăn và các cơ quan quản lý nhà nước lo ngại. Do đó chúng ta phải có chuẩn mực cho quy trình sản xuất nước giải khát có cồn. Chúng ta sẽ có những cam kết với quốc tế như: quản lý việc sản xuất chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm; quy định về truyền thông quảng cáo; áp dụng mức thuế suất phù hợp; quy định cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh bia, rượu ở một số điểm công cộng, khu vực nhất định và giới hạn độ tuổi được giao dịch, mua bán nước giải khát có cồn. Đây là những quy định bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ để 1 mặt vừa phát triển sản xuất, kinh doanh ngành chế biến nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe cộng đồng được đề cao.
 
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
 
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Ban soạn thảo phải dầy công hơn trong quy định những điều khoản cụ thể liên quan tới các quản lý cơ sở sản xuất, bao gồm chất lượng quá trình sản xuất thủ công và hoạt động tiêu thụ loại hình sản phẩm này nhằm tránh việc lạm dụng, sử dụng tùy tiện và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
 
Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế
 
Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tôi thấy hạn chế quảng cáo rượu, bia trên phương tiện truyền thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần được tham chiếu, đồng bộ với Luật Quảng cáo, vì Luật Quảng cáo cũng có quy định chặt chẽ về việc quảng cáo rượu, bia. Việc quảng cáo rượu, bia phải hạn chế được tác hại nhưng cũng phải cân bằng để hài hòa lợi với lợi ích của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Rõ ràng những quảng cáo này phải nói đúng, chính xác tác động của rượu, bia và không được tô hồng./.

Nguyễn Ngân