ĐBQH: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI TƯỢNG, SÁCH GIAO KHOA, PHÂN LUỒNG...VÀO DỰ THẢO LUẬT

15/11/2018

Sáng 15/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Luật Giáo dục (sửa đổi), sách giáo khoa, đổi mới thi cử, nâng chuẩn giáo viên là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có 10 Chương, 121 điều, trong đó có sửa đổi bổ sung 75 Điều tăng 1 Chương, 1 Mục và 7 Điều so với Luật Giáo dục hiện hành, tăng 1 Chương và sửa đổi bổ sung 39 Điều so với dự thảo Luật trình lên kỳ họp Quốc hội thứ 5. Một số chính sách mới trong dự thảo Luật này gồm nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Cùng với đó, là các loại hình cơ sở về giáo dục, về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, về chính sách tín dụng sư phạm, về chính sách cử tuyển, về phổ cập giáo dục, chính sách tiền lương đối với nhà giáo, thí điểm thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông…

Dự án Luật Giáo dục sửa đổi đã tập trung thể hiện những chính sách mới, hướng đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục đào tạo. Nhưng vẫn còn nhiều điểm vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần lấy ý kiến trong nhân dân và có thêm các Hội nghị chuyên trách để góp ý vào việc sửa luật, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến đại biểu về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đại biểu Hứa Thị Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Hứa Thị Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang: Một sinh viên không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có cơ hội được tuyển dụng như những sinh viên được tốt nghiệp ngành sư phạm. Tôi nghĩ ban soạn thảo cần phân tích thấu đáo hai đối tượng trên, nếu chính sách này được triển khai trong thực tiễn sẽ khó công bằng cho những sinh viên ngành sư phạm, không những không tuyển dụng được người giỏi vào ngành sư phạm mà còn có thể nảy sinh tiêu cực trong ngành sư phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Về chương trình sách giáo khoa, tôi đề nghị cần quy định cụ thể vào dự thảo luật dung lượng nội dung địa phương biên soạn, đồng tình quy định mỗi môn có 1 hoặc 1 số sách giáo khoa nhưng đề nghị nghiên cứu cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, quy trình thẩm định. Để tránh sự quá tải trong chương trình dạy và học, đảm bảo sự thống nhất hài hòa trong cả nước.

Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Về nội dung phân luồng trong dự thảo Luật, tôi đề nghị bổ sung một số điều về phân luồng. Hiện nay ngành giáo dục rất chú trọng đầu tư vào các trường chuyên lớp chọn tại các trường trung học phổ thông, nhưng lại ít quan tâm đến đối tượng học sinh từ 15 tuổi trở lên không có khả năng theo học trung học phổ thông, phải theo học tại các cơ sở học nghề. Đây là đối tượng ít được quan tâm và phải theo học những chương trình chưa thực sự ưu tiên dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội. Mặt khác, sẽ đặt ra những vẫn đề xã hội khác nếu chúng ta không quan tâm đúng mức. Thực trạng tỷ lệ các em học sinh bỏ học sau 15 tuổi khá cao, nếu chúng ta thực hiện công tác phân luồng tốt, thì cũng như chúng ta sẽ có được một lực lượng lao động chất lượng, lực lượng lao động sớm, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.

Mai Trang