CẦN LUẬT HÓA CỤ THỂ THẨM QUYỀN DANH MỤC ĐẦU TƯ CÔNG

17/11/2018

Chiều 17/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Vấn đề được các đại biểu quan tâm đề nghị đó là cần luật hóa cụ thể thẩm quyền danh mục đầu tư công.

Một số ý kiến tán thành với Chính phủ về việc sửa đổi toàn bộ Luật Đầu tư công vì cho rằng, nhiều quy định luật đầu tư công chưa phù hợp thực tiễn. Cần sớm sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định khắc phục triệt để những khó khăn yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị giữ phạm vi sửa đổi theo quy định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công không phù hợp với thực tế vì nhiều vướng mắc trong luật có nguyên nhân là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm. Mặt khác, Luật mới chỉ có hiệu lực thi hành 3 năm, thời gian áp dụng quá ngắn chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của Luật.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Liên quan đến vấn đề về thẩm quyền, trên thực tế, thời gian qua việc thiếu vắng các quy định liên quan đến thẩm quyền đã gây ra không ít những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể là việc Luật Đầu tư công hiện hành chưa quy định cụ thể về thẩm quyền sử dụng nguồn lực dự phòng tại các bộ ngành địa phương. Trên thực tế khi triển khai thực hiện, đã không thể thực hiện được, vào tháng 8/2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành thông báo để giải thích cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, Luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định danh mục dự phòng sử dụng vốn ngân sách trung ương; thẩm quyền quyết định danh mục dự án. Hai nội dung này mới chỉ được thể hiện trong Nghị quyết 26, dẫn đến việc trong quá trình thực hiện đã xảy ra những tranh luận và nhiều cách hiểu khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Về các hành vi bị cấm trong đầu tư công, tại khoản 2 Điều 16 trong dự thảo Luật quy định quyết định đầu tư chương trình, dự án không đúng với các nội dung, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp thẩm quyền quyết định, theo quy định nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là nghiên cứu sơ bộ, làm cơ sở để đánh giá tính khả thi và dự kiến nguồn luật. Trong khi nội dung dự án nghiên cứu đầu tư là bước khảo sát sâu hơn chi tiết hơn, do đo nội dung quyết định chương trình dự án chắc chắn là có sai khác về quy mô chi tiết, về nguồn vốn, nhưng quan trọng là cần phù hợp với chủ trương đầu tư. Do đó khi quy định cụm từ “không đúng” là rất khó áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Về vấn đề trình, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm vốn ngân sách nhà nước, chưa thể hiện hết tinh thần đã được đề nghị trong chính sách sửa đổi. Theo dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tổng số vốn và cơ cấu vốn ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm của các cơ quan chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm, nhưng trong dự thảo luật lại quy định là tiền kiểm.

Mai Trang