ĐBQH BÙI VĂN PHƯƠNG: CẦN TRIẾT LÝ GIÁO DỤC TRONG SỬA ĐỔI

30/11/2018

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, gồm 10 Chương 121 Điều. Dự thảo Luật quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 15/11 (kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV)

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, góp ý vào dự thảo Luật, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều nội dung, điều, khoản trong quy định của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn thiếu tính triết lý giáo dục.

Theo ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, triết lý giáo dục là một vấn đề khá phức tạp, trừu tượng nhưng rất có ý nghĩa đối với việc phát triển giáo dục của thế giới, của từng quốc gia hay từng cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này lại chưa toát lên được triết lý giáo dục. Phải làm rõ triết lý giáo dục bởi đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học, và rộng hơn là mọi hoạt động liên quan đến phát triển con người.

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Phóng viên: Thưa đại biểu, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ 6, đại biểu đánh giá như thế nào về việc mở rộng phạm vi sửa đổi?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Qua nghiên cứu luật giáo dục sửa đổi tôi thấy: Từ chỗ sửa đổi một số điều trong Luật Giáo dục bây giờ chuyển sang sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục;  từ định hình chỉ sửa trong 2 kỳ họp Quốc hội giờ chuyển sang 3 kỳ họp Quốc hội. Tôi cho là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận thấy tính chất, mức độ quan trọng của việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này vì chúng ta đã nhiều lần sửa nhưng sửa không căn bản. Do đó, lần này cũng không nên vội vàng mà nên dành thời gian thỏa đáng cho việc tổ chức sửa Luật Giáo dục. Sau kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV, ban soạn thảo phối hợp cùng cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyện gia, nhà khoa học và đông đảo cử tri để góp ý hoàn thiện dự thảo luật.

Phóng viên: Thưa đại biểu, về nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đại biểu có băn khoăn, góp ý đối với  quy định cụ thể nào?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nhiều nội dung. Ví dụ: về quy định độ tuổi đi học trong dự thảo Luật quy định là 6 tuổi vào lớp 1; 11 tuổi vào lớp 6 và 15 tuổi vào lớp 10. Quy định như vậy, nghĩa là các cháu không được lưu ban. Nếu bây giờ lưu ban thì vào học sẽ không đúng độ tuổi mà không đúng độ tuổi tức là không đúng luật; buộc các thầy các cô phải cho lên lớp cả như vậy là không hợp lý.

Theo quan điểm của tôi, nên quy định là các cháu vào lớp 1 là không dưới 6 tuổi; vào lớp 6 là không dưới 11 tuổi và vào lớp 10 là không dưới 15 tuổi. Bởi vì, khống chế như vậy để đảm bảo yêu cầu phát triển con người, tâm sinh lý phù hợp tiếp thu kiến thức nếu đi học sớm quá thì về mặt con người chưa đủ điều kiện tiếp cận. Trong Luật, nên cần quy định độ tuổi ở mức sàn chứ không nên quy định mức trần. Đồng thời, trong dự thảo Luật cũng cần có quy định về thực nghiệm các mô hình mới trong giáo dục để tránh việc tùy tiện khi áp dụng. Thực tế vừa qua, mô hình VNEN khi mới đưa ra làm thì các địa phương rất hồ hởi vì đó là dự án do Ngân hàng thế giới cho vay, khi mới áp dụng thì ca ngợi nhưng đến khi dự án kết thúc dự án không có tiền hỗ trợ lại nhận xét không đảm bảo yêu cầu và nhiều tỉnh tuyên bố không dạy theo mô hình VNEN. Hay đối với chương trình công nghệ giáo dục cũng là những vấn đề đang gây tranh cãi và mãi đến năm 2017 khi chương trình vào số đông trong các trường thì Bộ Giáo dục lúc đó mới tổ chức Hội đồng Quốc gia thẩm định Sách giáo khoa công nghệ lớp 1.

Từ thực tế này, tôi kiến nghị là cần phải có quy định cụ thể vấn đề này trong Luật Giáo dục (sửa đổi) để đảm bảo tính chặt chẽ. Việc học tập mô hình tiên tiến của nước ngoài là cần thiết nhưng không có nghĩa là sao chụp. Chúng ta cần làm chắc chắn từng bước, tức là phải đưa vào có thực nghiệm, có thí điểm trong phạm vi phù hợp, sau đó tổng kết khoa học để đưa đánh giá, nếu mô hình đúng, hiệu quả  thì triển khai rộng khắp.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thảo luận về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về triết lý giáo dục chưa sáng tỏ. Đại biểu có đồng tình với quan điểm này?

Chúng ta đã đổi mới, cải cách giáo dục nhiều lần, qua nhiều năm nhưng vẫn ở trong trạng thái lúng túng chưa tìm ra được cái gì đó mang tính căn cốt nhất. Qua thực tiễn theo dõi, nghiên cứu và cũng là người từng công tác trong ngành, theo tôi sửa đổi Luật Giáo dục lần này chưa toát lên được triết lý giáo dục. Các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đều có triết lý giáo dục; trong mỗi thời kỳ phát triển đất nước đều có 1 triết lý giáo dục phù hợp. Việt Nam ta lần này sửa luật Giáo dục cũng cần phải suy nghĩ từ thực tiễn đất nước và từ học tập kinh nghiệm tinh hoa của các nước trên thế giới để định hình triết lý giáo dục Việt Nam. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, triết lý giáo dục chính là đường hướng căn bản để mọi hoạt động giáo dục của chúng ta đều phải bám và xoay quanh triết lý giáo dục, đảm bảo tinh thần của triết lý giáo dục. Theo quan điểm của tôi đây là điều quan trọng số 1 mà kỳ này sửa luật cần phải đặc biệt chú trọng.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất gì,  góp ý gì để Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra định hình thể hiện rõ nét được triết lý giáo dục Việt Nam trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Để định hình ra một triết lý giáo dục thì đây là vấn đề lớn. Tôi mong muốn cần phải tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo thu hút các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục tham dự để đóng góp ý kiến, cùng phân tích tìm ra một triết lý giáo dục phù hợp với tình hình hiện nay. 

Mặt khác, Ban soạn thảo cần học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển. Đối với các nước đã định hình ra triết lý giáo dục và vận dụng thì cần nghiên cứu xem các nước tổ chức đến bây giờ thì hiệu quả như thế nào? Ưu điểm, nhược điểm ra sao? Từ đó có tổng kết để học hỏi kinh nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh