BỘ CÔNG AN TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU NGUYỄN VĂN CHƯƠNG LIÊN QUAN ĐẾN THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

02/01/2019

Bộ Công an vừa có công văn trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Văn Chương, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến việc cấp và sử dụng thẻ Căn cước công dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Văn Chương, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an với nội dung: “Tôi tiếp xúc cử tri nhiều người phản ánh rằng: việc cấp Căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân của Bộ Công an thì nhân dân rất đồng tình, ai ai cũng chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, căn cước mới cấp cho công dân không ghi số Chứng minh nhân dân cũ, việc này buộc Cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (nơi cấp căn cước mới) cấp tỉnh, thành phố làm tờ xác nhận giấy Chứng minh nhân dân cũ kèm theo. Công dân khi sử dụng Căn cước công dân trong các lĩnh vực tài chính, tài văn, nhà cửa, đi công chứng… phải có căn cước mới kèm theo giấy xác nhận của cơ quan Công an, nếu lỡ làm mất hoặc khi giao dịch không có giấy xác nhận kèm theo thì Căn cước công dân không được thừa nhận. Đây là điều bất tiện cho đời sống sinh hoạt của người dân. Tôi đề nghị: Cần ghi rõ số Chứng minh nhân dân cũ trên thẻ căn cước mới bất cứ chỗ nào để thẻ căn cước mới có giá trị sử dụng mà không cần giấy xác nhận của cơ quan Công an. Ủy ban nhân dân, Ngân hàng phải chấp nhận thẻ căn cước mới mà ngành Công an cấp cho nhân dân, phải có liên thông để không gây phiền phức cho nhân dân”

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Về nội dung chất vấn này, ngày 17/12/2018, Bộ Công an đã có Công văn số 3208 trả lời chất vấn đại biểu. Cụ thể:

Về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân là những thông tin cơ bản của công dân được quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân, Thông tư số 61/2015/TT-BCA ngày 16/11/2015 của Bộ Công an quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân. Trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên không quy định có ghi thông tin số Chứng minh nhân dân cũ trên thẻ Căn cước công dân, vì vậy không thể ghi thêm số Chứng minh nhân dân cũ trên thẻ Căn cước công dân. Mặc khác, do quy định của pháp luật đối với công tác cấp chứng minh nhân dân cũ là công dân khi thay đổi nơi đăng ký thường trúc và ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố thì phải đổi Chứng minh nhân dân và số Chứng minh nhân dân này không giống với số Chứng minh nhân dân ở nơi chuyển đi, vì vậy việc ghi số Chứng minh nhân dân cũ trên thẻ Căn cước công dân sẽ không thể thực hiện được.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong các giao dịch, ngày 15/12/2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 66/2015/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư Căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã quy định việc cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển dùng từ giấy Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức cá nhân mà trước đây đã sử dụng số Chứng minh nhân dân cũ. Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân mang tính chất tạm thời, phục vụ công dân trong lần đầu giao dịch với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc cần chứng minh số Chứng minh nhân dân cũ với số thẻ Căn cước công dân là của cùng một người. Nếu công dân sơ xuất làm mất giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân thì sẽ được cấp lại tại cơ quan công an nơi đã cấp Căn cước công dân hoặc nơi công dân đăng ký thường trú mới.

Hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong các giao dịch, Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hệ thống kết nối để thực hiện việc xác thực thông tin của công dân có giao dịch tính dụng với các ngân hàng thương mại nhằm xác định số Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số hoặc Căn cước công dân là của cùng một người./.

Lan Hương