GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LUẬT KIẾN TRÚC TRONG VIỆC GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC

29/12/2018

Trong những năm qua, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc... Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này? Dự án Luật Kiến trúc phải có những quy định nào để tăng cường công tác quản lý nhà nước và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc?

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, các đô thị đang có những bước phát triển vượt bậc. Sự phát triển nhanh chóng tại các thành phố đang đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc. Song song với Luật Quy hoạch, luật Kiến trúc cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi quốc gia và địa phương. Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 26, khi cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc, đa số các đại biểu đều nhất trí cao với việc ban hành luật. Các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Luật ra đời phải xây dựng được bản sắc dân tộc, cần có những chế tài để kiến trúc sư và các nhà đầu tư khi xây dựng phải giữ gìn được bản sắc dân tộc Việt Nam.

Cùng với Kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc, liên quan đến sự phát triển của mỗi vùng, miền đều có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, thậm chí là quan niệm sống... Với chiều dài lịch sử và cùng với đặc điểm đất nước có đến 54 dân tộc anh em, việc giữ gìn và tránh các tác động của quy hoạch nông thôn đến kiến trúc về cảnh quan và không gian văn hoá làng quê khỏi bị phá vỡ là rất quan trọng. Trong việc định hình kiến trúc Việt Nam tránh không bị lai tạp bởi các nền kiến trúc khác cũng đều cần dựa vào phần lớn kiến trúc nông thôn này.

Trao đổi với phóng viên về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc dựa vào kiến trúc nông thôn và làm thế nào để tránh được tình trạng phá vỡ kiến trúc nông thôn tại một số địa phương, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng chia sẻ, đây là vấn đề lớn, không chỉ là sự quan tâm của giới kiến trúc sư mà nó là vấn đề quan tâm của nhà nước, chính quyền các cấp. Bởi trong thời kỳ đổi mới kiến trúc chúng ta rất phát triển, phát triển theo số lượng, tạo dựng được khối lượng vất chất rất khổng lồ bằng các công trình xây dựng. Thế nhưng chúng ta lại chưa có một kiến trúc đẹp và  thể hiện được bản sắc văn hóa của chúng ta không. Điều này cho thấy chúng ta thiếu đi một cơ chế để định hướng, quản lý công tác kiến trúc.

Việc giữ gìn bản sắc dân tộc qua kiến trúc rất cần đôi tay và khối óc của các kiến trúc sư. Trong những năm gần đây, các kiến trúc sư của Việt Nam cũng như Hiệp hội Kiến trúc sư đã có sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn có phần lép vế hơn những kiến trúc sư đến từ nước ngoài. Đây là hệ quả của cả một quá trình dài không có sự chủ động chuẩn bị nào về kiến thức, tri thức cho một nền kiến trúc mới khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa kinh tế và hội nhập sâu rộng với thế giới. Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho rằng, chúng ta mở cửa hội nhập quốc tế nhưng thực tế chúng ta đi từ tâm thế ao làng ra biển lớn. Kiến trúc sư chưa được chuẩn bị những hành trang kiến thức đầy đủ để hội nhập quốc tế.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng 

Rõ ràng, để đẩy mạnh phát triển ngành nghề kiến trúc, quản lý chặt chẽ hơn về hoạt động kiến trúc và giúp giới Kiến trúc sư ý thức được trách nhiệm xã hội và vai trò nghề nghiệp của mình, giải pháp căn cơ nhất hiện nay chính là ban hành Luật Kiến trúc. Điều này không chỉ góp phần định hình, bảo tồn các giá trị kiến trúc lịch sử, kiến tạo nên diện mạo mới của đất nước; giới kiến trúc sư cả nước cũng đang đặt kỳ vọng vào việc sớm xem xét và ban hành luật này. Khi luật được thông qua sẽ tạo cơ sở và hành lang pháp lý quy chuẩn cho nghề, cũng như pháp lệnh hành nghề của các nước trong khu vực và quốc tế, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tạo tiền đề cho các kiến trúc sư Việt Nam có thể được thế giới công nhận tư cách kiến trúc sư hoặc được thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư ở nhiều nước.

Vai trò của các kiến trúc sư trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong kiến trúc là rất quan trọng. Vậy Luật Kiến Trúc cần phải có những cơ chế chính sách gì để thực hiện ý đồ của nhà kiến trúc, để nêu bật giá trị của các kiến trúc sư trưởng? Vai trò của công tác quản lý nhà nước sẽ phải quy định như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã ghi nhận quan điểm của một số vị đại biểu Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong những năm qua kiến trúc đã góp phần như thế nào vào sự phát triển của đất nước? Quan điểm của đại biểu như thế nào về ý kiến cho rằng kiến trúc Việt Nam hiện nay đang bị lai tạp của nhiều nền kiến trúc khác?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Trong thời gian vừa qua, kiến trúc có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội bởi chính kiến trúc đem lại những công trình để có điều kiện phát triển tạo công ăn việc làm, tạo ra được những cảnh quan bộ mặt của đô thị. Tuy nhiên hiện nay một số kiến trúc mang nặng dấu ấn của người nước ngoài, tình trạng kiến trúc lộn xộn và không mang dấu ấn của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Trong thế giới hội nhập hiện nay thì nền kiến trúc Việt Nam cũng cập nhật rất nhiều phông văn hóa kiến trúc của các nước trên thế giới cho thấy sự phát triển nhanh. Tuy nhiên, điều này cũng lại làm thiếu dần đi bản sắc của người Việt Nam trong các kiến trúc nhà ở theo đặc trưng của từng vùng miền, hay trong kiến trúc không gian, tổ chức không gian xã hội của người Việt mà thay vào đó là hộp và bê tông.

Nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Đại biểu Bùi Thị An

Bà Bùi Thị An  - đại biểu Quốc hội khóa XIII: Việc học tập, tham khảo những cái hay của nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên với mỗi nước có bản sắc văn hóa riêng mà bản sắc văn hóa này thường được thể hiện qua kiến trúc. Các nhà chuyên môn phải biết, phải hiểu được điều này để giữ được nền văn hóa, truyền thống văn hóa của mình và cộng với những hiện đại mà mình có thể học được để tránh sự lai căng, hỗn hợp làm mất vẻ đẹp của đất nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, dự thảo Luật Kiến trúc hiện nay chưa quy định chặt chẽ về chức năng của các kiến trúc sư, nhất là các kiến trúc sư trưởng. Đại biểu có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Người chủ trì kiến trúc trong hồ sơ thiết kế thì người chủ trì thiết kế là người kiến trúc sư thì họ sẽ điều hành tất cả từ khâu của dự án thiết kế đến triển khai thi công. Người chủ trì kiến trúc là người giữ vai trò quan trọng trong từng công trình. Còn kiến trúc sư trưởng của thành phố là người chịu trách nhiệm tất cả tổng thể của đô thị. Dự thảo Luật lần này đã đặt vấn đề về hội đồng kiến trúc để quản lý tất cả kiến trúc mang đậm bản sắc của người Việt Nam hoặc những công trình đặc biệt theo phong tục tập quán hoặc theo phong cách kiến trúc Việt Nam.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Phóng viên: Để dự thảo Luật đi nhanh đi vào cuộc sống và tránh xung đột với các luật khác, đại biểu có ý kiến nào góp ý?

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Điều mà nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn đó là Luật Kiến trúc lần này bàn về câu chuyện quản lý kiến trúc như cấp phép, đăng ký, kinh doanh hành nghề mà chưa đi sâu vào được định hình kiến trúc Việt Nam như thế nào. Hơn nữa, dự thảo Luật cũng không xác định được văn hóa kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là chưa đề cập đến chính sách pháp luật của nhà nước trong việc gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa trong kiến trúc của người Việt. Đây là điều đáng tiếc mà trong dự thảo chưa đề cập tới.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã ban hành luật Kiến trúc từ rất lâu, do đó kiến trúc của họ được phát triển kỷ cương, đảm bảo cho nền văn hoá phát triển của đất nước. Tại Việt Nam, việc lần đầu tiên Dự án Luật Kiến trúc được biên soạn đã đem lại sự kỳ vọng rất lớn cho giới Kiến trúc sư Việt Nam. Sẽ phải mất một thời gian nữa để hoàn thiện dự án Luật và để luật đi vào cuộc sống. Nhưng chúng ta hy vọng, luật ra đời sẽ thúc đẩy kiến trúc nước nhà phát triển mạnh mẽ; phát huy khả năng sáng tạo đầy tiềm năng của con người Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho các kiến trúc sư Việt Nam vươn ra thế giới.

Bảo Yến - Thanh Hải